Hà Nội

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp

15-10-2021 07:22 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và điều này có thể do xử trí sai lầm.

Trẻ bị ho nên ăn gì?Trẻ bị ho nên ăn gì?

SKĐS - Khi trẻ bị ho cần bổ sung các loại thực phẩm nhằm tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giúp trị ho và cũng nên tránh cách món ăn gây kích ứng hoặc suy giảm sức đề kháng của trẻ.

Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân, nhưng thường liên quan với các bệnh đường hô hấp trên. Nếu ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ như: Khiến trẻ thức giấc về đêm, làm trẻ ngủ không yên, stress, cảm thấy lo lắng, buồn rầu, học tập giảm sút. Vậy ho do đâu, những sai lầm của cha mẹ thường gặp khi xử trí trẻ bị ho, cũng như phải điều trị thế nào để giúp trẻ giảm ho hiệu quả?

Nguyên nhân gây ho ở trẻ em

Ho là một phản xạ của cơ thể để bảo vệ đường hô hấp. Khi đường hô hấp có vấn đề và bị tấn công bởi virus, vi khuẩn, khói thuốc, khói xe, bụi… thì phản xạ cơ thể sẽ ho để tống những virus, vi khuẩn đó ra ngoài.

Trẻ có thể bị ho do nhiều nguyên nhân như: Cảm lạnh, viêm đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn, ô nhiễm không khí hoặc do những nguyên nhân nghiêm trọng hơn như: Viêm phổi, ho gà, viêm phế quản…

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho rằng thói quen sinh hoạt cũng khiến trẻ dễ bị ho nhiều hơn. Nhiều trẻ nhỏ thích ăn đồ lạnh, trẻ tắm nước lạnh, tắm lâu, thay đổi thời tiết… là những yếu tố kích thích, khởi phát dễ cho virus vào cơ thể gây bệnh. Nhưng đa phần các cơn ho ở trẻ là lành tính do virus, chỉ cần chăm sóc ở nhà.

Để giải thích vì sao mùa lạnh trẻ hay bị ho nhiều hơn, các nghiên cứu cho thấy khi trẻ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, các mạch máu nhỏ ở niêm mạch mũi, họng và đường hô hấp trên sẽ phản ứng bằng cách co lại, làm giảm lượng máu đến cung cấp cho các khu vực này.

Khi giảm cung cấp máu, sẽ giảm luôn cung cấp dưỡng chất và giảm các tế bào để chống lại các tác nhân gây bệnh trong máu. Ngoài ra, khi mùa lạnh nhiệt độ thấp, còn là yếu tố thuận lợi kích thích một số virus phát triển tốt. Thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu hơn, vì thế họng, mũi, dễ bị bệnh hơn.

Nếu trẻ có hệ miễn dịch tốt, rửa tay xà phòng thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi, không đưa tay quệt lên mắt mũi sẽ hạn chế được virus xâm nhập.

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp  - Ảnh 3.

Trẻ có thể ho do nhiều nguyên nhân

Cách trị ho cho trẻ và những sai lầm thường gặp

Ho là một triệu chứng và không phải là bệnh. Và theo nghiên cứu có đến 99% các cơn ho ở trẻ là do virus. Khi đó ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay virus ra khỏi cơ thể và phòng ngừa viêm phổi.

Thông thường trong một đợt cảm, thường trẻ sẽ ho khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ ho khan, ho ít. Sau 4-5 ngày ho sẽ tăng rất nhiều do hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản… sẽ có đờm để tiêu diệt virus. Đến ngày thứ 5-6 trẻ sẽ ho rất nhiều nhưng đây là lúc trẻ sắp hết ho.

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp  - Ảnh 4.

Có đến 99% các cơn ho ở trẻ là do virus.

Trên thực tế, khi thấy trẻ bị ho, cha mẹ rất lo lắng và sợ trẻ viêm phổi, nên đến 3 hoặc 4-5 ngày, cha mẹ sẽ tự dùng thuốc trị ho cho trẻ. Đây là sai lầm của nhiều bậc cha mẹ, vì nếu tự điều trị thì việc cho trẻ uống thuốc ho gần như không có tác dụng. Bởi vì ho chỉ là triệu chứng, nguyên nhân khiến trẻ ho là do virus (99%) hoặc vi khuẩn. Trong khi đó, thuốc ho chỉ có thể đè chặn phản xạ ho, không diệt được virus hay vi khuẩn, khi nguyên nhân gây ho vẫn còn, thì trẻ vẫn tiếp tục bị bệnh, việc giảm ho chỉ là nhất thời.

Minh chứng điều này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành lệnh cấm không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho bán trên thị trường không cần có đơn của bác sĩ. Vì theo các nghiên cứu, thuốc ho không có lợi ích mà còn gây bất lợi, do một số chất trong thuốc giảm ho (thuốc kháng Histamine) sẽ tăng nguy cơ bị suy hô hấp hay viêm phổi ở trẻ.

Vì vậy, theo khuyến cáo nếu trẻ từ 4-6 tuổi muốn uống thuốc trị ho cần phải có ý kiến của bác sĩ. Do đó, việc bố mẹ tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ rất nguy hiểm.

Những loại thuốc bị cấm sử dụng bao gồm thuốc thông mũi như: Phenylephine, Pseudoephedrine, thuốc kháng Histamine Diphehydramine, Brompheniramine Chlorpheniramine.

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp  - Ảnh 5.

Việc bố mẹ tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài việc cho trẻ uống thuốc trị ho, một số bố mẹ cũng thường xuyên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh. Điều này thật sự nguy hại vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus, mà ho ở trẻ đa số là do virus ( chiếm 99% các trường hợp). Do đó, dùng kháng sinh khi trẻ bị ho do virus sẽ không giúp rút ngắn thời gian bị ho. Không phòng ngừa được các biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm hô hấp trên hay viêm phổi… Ngoài ra, nếu dùng kháng sinh bừa bãi khiến trẻ bị tiêu chảy, dị ứng và nguy cơ kháng kháng sinh… lâu dần sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Việc dùng kháng sinh cho trẻ phải có chỉ định của các bác sĩ. Việc chỉ định cho trẻ dùng kháng sinh còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn, tùy từng trẻ mà các bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp. Nếu trẻ ho và kèm theo các biểu hiện bất thường cần đi khám chứ không tùy tiện dùng thuốc cho trẻ.

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp  - Ảnh 6.

Khi trẻ bị ho, nên cho bé ăn lỏng hơn thường ngày có thể cháo, súp… giàu dinh dưỡng.

Phải làm gì khi trẻ bị ho?

Dù đã có khuyến cáo về việc dùng thuốc trị ho cho trẻ dưới 4 tuổi, nhưng không có nghĩa là mỗi lần bé bị ho chúng ta không điều trị gì. Vì nếu để bé ho nhiều, ho dữ dội khiến bé sẽ khó chịu, không ngủ được, nôn ói…

Vậy bé ho phải làm gì là điều băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ. Để giảm cơn ho và chăm sóc đúng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết. Việc này sẽ giúp hỗ trợ cho trẻ mau khỏi bệnh.

Khi trẻ ho, để giảm các cơn ho cần giữ ấm cho trẻ, nhưng không được mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ nóng nực. Cho trẻ uống nhiều nước, nước ấm hoặc nước táo, nếu trẻ bú mẹ thì tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều bữa hơn. Trẻ từ 3 tháng - 1 tuổi chưa dùng được mật ong thì áp dụng biện pháp này rất tốt. Giúp trẻ dễ chịu nên mát - xa ngực và bụng cho trẻ, có thể tắm nước ấm, tăng cường độ ẩm để giúp trẻ dễ chịu hơn. Đối với bé ăn dặm, nên cho bé ăn lỏng hơn thường ngày có thể cháo, súp giàu dinh dưỡng.

Để giúp trẻ bớt ho, nên nâng cao đầu bé khi ngủ. Với trẻ lớn biết súc miệng thì nên động viên, hướng dẫn trẻ súc miệng nước muối loãng, ấm nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ bị ho kèm theo sổ mũi, bạn có thể kết hợp rửa mũi, nhỏ mũi. Một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thêm biện pháp giảm ho an toàn từ thảo dược như hấp lá hẹ, quất, hoa hồng với chút xíu mật ong… cần chú ý đảm bảo độ sạch và an toàn của thảo dược.

Ho ở trẻ em: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp  - Ảnh 7.

Khi trẻ bị ho nên tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều bữa hơn

Trẻ bị ho khi nào cần đi khám?

Cha mẹ lưu ý cần theo dõi trẻ nếu thấy có dấu hiệu bất thường như: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bú kém hơn, không uống được, trẻ mệt lừ đừ, mệt, tái xanh, nôn, thấy trẻ ốm nặng hơn… đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Và với trẻ ho kéo dài, dai dẳng hơn 2 tuần hoặc ho tái phát liền nhau liên tục vẫn cần tới cơ sở có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng hoặc khi bố mẹ cảm thấy lo lắng về cơn ho cũng cần đi khám để được tư vấn cụ thể.

Xem thêm video đặc sắc của báo Sức khỏe & Đời sống:

Lối sống lành mạnh




BS. Phạm Thị Mỹ Dung
Ý kiến của bạn