Là hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người, thuộc vùng Đông Nam bộ rộng lớn, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) đang có nguy cơ bị bức tử bởi rất nhiều nguyên nhân.
Ô nhiễm nguồn nước
Hiện nay, ở Đông Nam bộ, thời tiết đang mùa khô, nguồn nước tự nhiên nhiều nơi bị thiếu thốn trầm trọng. Chính vì thế, nhiều hộ chăn nuôi vịt đàn xung quanh lòng hồ thuộc các xã của huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã tranh thủ lùa hàng trăm ngàn con vịt từ ruộng vào hồ, nơi có sẵn thức ăn, nguồn nước. Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát trên diện rộng trong cả nước (trong đó, Tây Ninh đã công bố dịch), việc hàng trăm ngàn con vịt sinh sống là rất nguy hiểm bởi hồ Dầu Tiếng là nơi cung cấp nước cho TP. HCM thông qua con đập duy nhất nối với đầu nguồn sông Sài Gòn. Ngoài ra, hồ con là nơi điều phối nước tưới tiêu, sinh hoạt cho toàn bộ Tây Ninh, Bình Dương, vùng đệm Đồng Tháp Mười (Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An) thông qua sông Vàm Cỏ Đông. Nếu nguồn nước lòng hồ bị nhiễm dịch bệnh thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng bởi hàng trăm ngàn người lẫn gia súc cũng bị ảnh hưởng trực tiếp.
Được biết, việc chăn nuôi thủy hải sản, gia súc, gia cầm trên lòng hồ đã bị cấm từ lâu nhưng do diện tích hồ quá rộng, phân bố ở nhiều địa phương khiến chính quyền khó lòng quản lý cho xuể. Theo quan sát của chúng tôi, dọc đường ven hồ, đoạn qua các xã Phước Ninh, Phước Minh, thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) và Minh Hòa, Định An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) có rất nhiều chòi chăn vịt và đàn vịt sinh sống, số lượng mỗi đàn lên đến hàng ngàn con.
Khai thác cát ven hồ Dầu Tiếng. |
Cát tặc công khai
Mặc dù chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên địa bàn lòng hồ Dầu Tiếng, gồm Công ty Dương Đại Lực do tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép và Công ty khoáng sản Bình Dương nhưng mới chỉ khảo sát chưa được 1/3 quãng đường đê bao quanh hồ, chúng tôi đã ghi nhận khoảng 15 địa điểm khai thác cát với trên 30 ghe lớn nhỏ đang tiến hành hút cát trên hồ.
Theo quan sát, tại đoạn xã Minh Hòa (Dầu Tiếng, Bình Dương), tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ‘nhộn nhịp’ nhất với những đống cát cao như núi. Chỉ một thời gian ngắn, rất nhiều xe tải hạng nặng đã chạy vào lấy cát và khiến mặt đường đê bao quanh hồ như bị băm nát, nguy cơ vỡ đê mùa lũ hoàn toàn có thể xảy ra. Tình trạng khai thác cát lậu diễn ra ngang nhiên đến mức, hai công ty được cấp phép trên nhiều lần gửi đơn tới chính quyền địa phương nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn như muối bỏ biển vì các ghe thuyền này hoạt động lưu động, lúc xã này, lúc xã khác. Sáng có thể hút cát ở Bình Dương, chiều đã chạy sang tới Tây Ninh hoặc Bình Phước gây khó khăn trong việc ngăn chặn.
Theo tin chúng tôi mới nhận được, trong thời gian tới đây, hồ Dầu Tiếng không chỉ giữ nhiệm vụ cung cấp nước nông nghiệp mà còn trực tiếp cung cấp nước sinh hoạt trong một vùng rộng lớn, trong đó có gần chục triệu dân TP. HCM thông qua hệ thống sông Sài Gòn bắt nguồn từ chính hồ này. Vì vậy, ngay từ bây giờ nếu không có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì khu hồ rộng lớn này có nguy cơ trở thành mối hiểm họa của nhiều người.
Bài và ảnh: Đoàn Xá