Ho lâu ngày người đàn ông đi khám phát hiện mắc loại ung thư hiếm gặp

01-10-2023 10:11 | Ung thư
google news

SKĐS - Ho mãi không khỏi, người đàn ông tự mua thuốc ho để uống. Sau khi cảm thấy tức ngực khó thở, đến bệnh viện thăm khám phát hiện mắc ung thư màng phổi hiếm gặp

Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam đến khám trong tình trạng ho kèm theo khó thở. Qua khai thác bệnh nhân cho biết tình trạng ho húng hắng, không có đờm kéo dài khoảng 2 tuần. Do chủ quan nghĩ là ho thông thường, bệnh nhân ra hiệu thuốc mua thuốc ho uống. Sau khoảng gần 1 tháng, bệnh nhân có cảm giác hơi tức ngực, khó thở nên đến bệnh viện thăm khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu phát hiện bệnh nhân tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân được chỉ định nội soi sinh thiết và được chẩn đoán ung thư màng phổi ở giai đoạn muộn. Đây là một trong những loại ung thư ác tính, hơn nữa bệnh ở giai đoạn muộn tiên lượng xấu.

TS.BS Đinh Thị Hòa thông tin về ca bệnh ung thư ác tính phát hiện sau khi đi khám do ho kéo dài 2 tuần.

Ung thư màng phổi là gì?

Ung thư trung biểu mô màng phổi là bệnh lý ác tính xuất phát từ bề mặt biểu mô của khoang màng phổi, đây là bệnh tương đối hiếm gặp.

Có 70 đến 80% bệnh nhân mắc ung thư màng phổi có liên quan trực tiếp đến phơi nhiễm với amiăng. Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng ung thư màng phổi như bức xạ ion hóa, virus Simian 40, yếu tố di truyền liên quan đến gen BAP1. Tuy nhiên, gần đây bệnh đang có xu hướng giảm dần ở các nước phát triển do sự hiểu biết ngày càng rõ hơn giữa bệnh và phơi nhiễm amiăng.

Dấu hiệu ung thư màng phổi

Các triệu chứng của ung thư màng phổi thường không đặc hiệu và có thể giống nhiều bệnh lý hô hấp khác. Triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư màng phổi thường không điển hình như:

- Ho

- Khó thở

- Tức ngực

- Các biểu hiện toàn thân như gầy sút cân, da nhợt nhạt…

Ho lâu ngày người đàn ông đi khám phát hiện mắc loại ung thư hiếm gặp  - Ảnh 2.

Bệnh nhân thường khi đến khám sẽ có biểu hiện của tràn dịch màng phổi.

Tuy nhiên khi bệnh ở giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện của u đã di căn như di căn gan, xương, hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó bệnh nhân thường khi đến khám sẽ có biểu hiện của tràn dịch màng phổi. Người mắc ung thư màng phổi có thời gian sống trung bình từ 9 đến 17 tháng sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa khối u di căn và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Chẩn đoán ung thư màng phổi

Để chẩn đoán ung thư màng phổi, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm X-quang ngực, siêu âm màng phổi, chụp cắt lớp vi tính, xạ hình, PET/CT… và một số xét nghiệm công thức sinh hóa máu…

Ung thư màng phổi cần phân biệt với ung thư phổi di căn màng phổi, tràn dịch màng phổi do các nguyên nhân khác như lao màng phổi…

Ung thư màng phổi có chữa được không?

Việc điều trị ung thư màng phổi tùy theo giai đoạn bệnh mà có thể lựa chọn các phương pháp là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch hay điều trị kết hợp. Ngoài ra còn phụ thuộc vào từng thể trạng của bệnh nhân.

Ung thư màng phổi giai đoạn I - III có thể phẫu thuật được. Bệnh nhân sẽ được sử dụng hóa chất trước sau đó xét phẫu thuật hoặc phẫu thuật cắt màng phổi/bóc vỏ sau đó điều trị hóa chất rồi tiến hành xạ trị, hoặc có thể phẫu thuật cắt khối u màng phổi lá tạng và lá thành kết hợp xạ trị nửa ngực sau khi phẫu thuật.

Với bệnh nhân ở giai đoạn I - III không thể phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hóa chất hoặc kết hợp xạ trị triệu chứng.

Những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư màng phổi giai đoạn IV sẽ được hóa chất, chăm sóc giảm nhẹ hoặc xạ trị triệu chứng. Ngoài ra phẫu thuật không có chỉ định với bệnh nhân ung thư màng phổi giai đoạn IV.

Ho lâu ngày người đàn ông đi khám phát hiện mắc loại ung thư hiếm gặp  - Ảnh 3.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa khối u di căn và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh ung thư màng phổi.

Phòng ngừa ung thư màng phổi bằng cách nào?

Để hạn chế nguy cơ mắc ung thư màng phổi, cần lưu ý những biện pháp sau:

- Không hút thuốc lá

- Hạn chế đồ ăn thức uống chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu... Bên cạnh đó cần hạn chế dùng túi nhựa, chai nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn.

- Với những người đang làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất hóa học như hầm mỏ, than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng... nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm việc, nhằm hạn chế đến mức tối đa mức độ ảnh hưởng của hóa chất đến cơ thể.

- Cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần.

Xem thêm video được quan tâm:

6 Nhóm người dễ mắc ung thư phổi nhất | SKĐS


ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm
Khoa Nội IV - Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn