Trước đó, bé L. nhập viện do bị ho, khó thở, ăn hay nôn, thỉnh thoảng nôn có máu nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị. Người nhà kể, mỗi khi đi rừng, chú của bé bắt được cua suối thường mang về nấu canh hoặc nướng cho cả nhà ăn. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bé L. mắc bệnh sán lá phổi. Cũng theo các bác sĩ, trong năm vừa qua, tại Khoa Nhi BV Phổi Trung ương có khoảng 10 bệnh nhân mắc sán lá phổi, trong đó có những tỉnh có nhiều ca sán lá phổi như Tuyên Quang, Lai Châu...
Con đường nhiễm sán lá phổi
Do loài sán có hình bầu dục, to bằng hạt cà phê, sống ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây bệnh. Tổn thương do sán lá phổi gây ra là những ổ áp-xe bằng đầu ngón tay và gây ho ra máu hoặc tràn dịch màng phổi.
Hình thể sán lá phổi trưởng thành.
Tại Việt Nam, sán lá phổi gây bệnh trên người là loài P. heterotremus. Trong phổi, sán đẻ trứng, trứng theo đờm vào họng rồi vào đường tiêu hóa khi nuốt đờm, sau đó theo phân ra ngoài; nếu khạc đờm ra ngoài thì trứng sán ra theo mà không qua đường tiêu hóa. Khi trứng sán ra môi trường nước, trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông. Ấu trùng lông chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc, bơi tự do trong nước, thâm nhập tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành nang trùng ở trong thịt và phủ tạng của tôm cua. Ở nước ta, đã phát hiện loài cua đá mang ấu trùng sán lá phổi, loài cua này sống ở các suối đá tại các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái... Người và động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua sống, uống nước cua sống..., ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản phổi để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành trong phổi là 5,5-6 tuần. Ngoài phổi, sán lá phổi có thể ký sinh ở màng phổi, màng tim, phúc mạc, dưới da, gan, ruột, não, tinh hoàn... Ở những cơ quan này, sán lá phổi gây ra những ổ áp-xe và những triệu chứng đặc hiệu.
Dấu hiệu nhận biết
Tùy từng trường hợp mà có biểu hiện khác nhau do phụ thuộc vị trí ký sinh của sán và mức độ biểu hiện của bệnh, sức khoẻ của bệnh nhân. Nhìn chung, bệnh nhân mắc bệnh sán lá phổi thường có các dấu hiệu: Ho kéo dài, có khi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ho ra máu, máu màu đỏ tươi hoặc màu nâu hay màu gỉ sắt, có khi ho ra nhiều máu tươi một lúc nhưng hầu hết là ho ra ít máu lẫn với đờm. Triệu chứng này dễ nhầm với lao. Bệnh nhân thường không sốt, ít suy sụp, đây là đặc điểm giúp phân biệt với bệnh lao (bệnh nhân suy sụp nhiều). Trường hợp sán lá phổi ký sinh ngoài phổi ở nơi khác như phúc mạc, dưới da, tinh hoàn, đặc biệt ở não gây các triệu chứng về thần kinh như co giật, động kinh, nhức đầu, liệt..., tràn dịch màng phổi khi sán kí sinh trong màng phổi. Đặc điểm tràn dịch do sán lá phổi tái phát nhanh sau khi chọc hút dịch và luôn luôn có dày dính màng phổi nhưng không thấy hình ảnh vôi hoá trên phim chụp Xquang. Trường hợp bệnh nhân có hội chứng não, sau khi điều trị sán lá phổi, các triệu chứng não biến mất. Hầu hết bệnh nhân không có tình trạng nhiễm khuẩn như lao, trừ trường hợp bị bội nhiễm hoặc phối hợp với lao.
Xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong đờm, phân hoặc dịch màng phổi. Chụp Xquang thấy hình ảnh tổn thương phổi.
Phòng tránh sán lá phổi thế nào?
Chúng ta có thể phòng chống nhiễm bệnh sán lá phổi bằng cách không ăn cua đá (cua ở suối) nướng (vì phần lớn cua nướng có chỗ cháy nhưng có chỗ vẫn còn sống và sán vẫn tồn tại gây bệnh) hoặc cua chưa nấu chín dưới các dạng như mắm cua, uống nước cua sống... Tiêu diệt sán bằng việc điều trị đặc hiệu cho người bệnh và súc vật mang bệnh. Chỉ ăn cua nấu chín kỹ, tuy đến nay chưa tìm thấy ấu trùng sán lá phổi trong cua đồng nhưng cũng cần nấu chín kỹ để phòng bệnh.
Bệnh nhân cần nói rõ việc đã ăn cua đá hay ở trong vùng có cua đá để giúp thầy thuốc chẩn đoán đúng bệnh, tránh tình trạng chẩn đoán nhầm với lao như trước đây gây nhiều thiệt hại về kinh tế trong điều trị vì bệnh sán lá phổi chỉ điều trị trong 2 ngày nhưng nếu chẩn đoán nhầm là bệnh lao thì nhiều bệnh nhân phải điều trị lâu dài.