Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau 2 năm diễn biến của COVID-19, thay bằng sự hốt hoảng ban đầu là ''tôi bị nhiễm COVID-19'' thì giờ đây mọi người lại lo lắng là sau COVID-19 thì ''tôi sẽ như thế nào''.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm để chúng ta có thể hiểu đúng về hậu COVID-19. Trong tiếng Việt, ''hậu'' nghĩa là sau, như vậy, cứ ai mắc COVID-19 mà đã khỏi thì đều gọi là sau COVID-19 cả.
Ho, khó thở 1 tháng sau khi khỏi COVID-19 có phải là di chứng hậu COVID? (Ảnh minh họa: Freepik)
Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc COVID-19 xong đều bị bệnh hay các di chứng sau COVID-19-19. WHO khẳng định ít nhất là sau 3 tháng mà các triệu chứng, biểu hiện của COVID còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, tinh thần, xã hội của người đã từng mắc COVID đó mới gọi là di chứng hậu COVID-19.
Như vậy, cả 1 quá trình từ khi chúng ta mắc COVID cho tới 12 tuần sau đó thì có các khái niệm:
- 4 tuần đầu tiên là pha cấp, diễn biến cấp tính của COVID-19.
- Từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 nếu vẫn còn các triệu chứng thì gọi là COVID kéo dài.
- Từ tuần thứ 12 trở đi mà những triệu chứng đó vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng mà không giải thích được do 1 nguyên nhân khác thì mới gọi là di chứng hậu COVID.
PGS. Thanh giải thích thêm: ''Tôi lấy 1 ví dụ như thế này: Một người lớn tuổi trong quá trình bị COVID-19, chúng ta có các triệu chứng ho sốt, khó thở, sau 10 ngày đầu tiên chúng ta test âm tính nhưng vẫn còn triệu chứng ho, sốt thì hết rồi và ho kéo dài 3-4 tuần sau đó thì 3-4 tuần ấy người ta gọi là vẫn đang trong giai đoạn cấp.
Sau 4 tuần mà người này vẫn còn ho đến 8 tuần thì đó gọi là COVID kéo dài. Nhưng nếu sau 5 tuần, người này không còn ho nữa rồi từ tuần thứ 12 trở đi tự dưng lại có sốt, ho, khó thở thì đó chưa chắc đã là di chứng hậu COVID.
Lần này, có thể người đó bị viêm phổi do một nguyên nhân khác thì sao, nếu chúng ta giải thích được triệu chứng ho sốt, khó thở sau 12 tuần này bởi 1 nguyên nhân khác thì người đó không được gọi là gặp phải di chứng hậu COVID''.
Do đó, chỉ trong trường hợp triệu chứng ho sốt kéo dài suốt từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 12 vẫn không khỏi thì nó mới được gọi là di chứng hậu COVID.
Như vậy, chúng ta thấy được rằng sẽ có những triệu chứng chồng lấp giữa bệnh nọ với bệnh kia mà cần phải phân biệt một cách rõ ràng.
Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng