Lê Bằng (Bắc Kạn)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ho khan như hít phải khói thuốc, vật lạ, hoặc có thể do họng, phế quản bị kích thích khi cảm lạnh thông thường hoặc là triệu chứng của một bệnh: hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản...
Người bệnh cần khám bệnh ở cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây ho (tức là xác định bệnh gì) và phải điều trị đúng bệnh thì vừa khỏi bệnh và vừa hết ho.
Đối với trường hợp ho khan do triệu chứng của một bệnh nào đó, người bệnh cần phải điều trị tìm nguyên nhân. Còn các trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân hoặc điều trị nguyên nhân gây bệnh mà không hết ho thì việc dùng thuốc giảm ho là cần thiết.
Do vậy, anh cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị hoặc đến cửa hàng thuốc hỏi ý kiến dược tá để mua thuốc vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và nguy hiểm cho tính mạng. Một lưu ý nữa là không phải người bệnh nào bị ho cũng phải dùng kháng sinh. Vì kháng sinh chỉ dùng khi biết chắc chắn là có nhiễm khuẩn. Nếu do virut thì không cần thiết dùng kháng sinh, trừ khi có bội nhiễm.
Để phòng bệnh tái phát, cần vệ sinh răng, họng, miệng hằng ngày và súc miệng bằng nước muối ấm. Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào thì nên bỏ thuốc, nhất là những người bị bệnh hen, bệnh tim, bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, bệnh lao phổi. Cần vệ sinh môi trường trong từng gia đình, thôn xóm, khu phố, phường. Những vùng nông thôn đang dùng bếp củi, bếp rơm rạ nên sử dụng loại bếp ít khói.