70% bệnh nhân mắc bệnh lý thanh quản liên quan đến khàn tiếng
Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào– Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khàn tiếng là một biểu hiện thường gặp nhất trong số các triệu chứng, 70% bệnh nhân mắc bệnh lý thanh quản đến khám vì dấu hiệu này, nhất là trong một số nghề nghiệp đặc thù như giáo viên, ca sĩ, bán hàng.
Khàn tiếng là một triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có bệnh nấm thanh quản. Theo BS Đào, tỷ lệ bệnh nhân bị nấm thanh quản trước đây hiếm nhưng ngày càng gia tăng do điều kiện làm việc, môi trường ngày càng ô nhiễm, các bệnh gây suy giảm sức đề kháng ngày càng nhiều, việc sử dụng thuốc không theo chỉ định cũng làm gia tăng tổn thương nấm gây bệnh tại thanh quản.
Bệnh nấm thanh quản thường được phát hiện khi người bệnh đến khám với triệu chứng ho kéo dài, đã được điều trị bằng những thuốc kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng thông thường không đỡ.
Nấm thanh quản thường gặp thứ phát trên những bệnh nhân có hiện tượng suy giảm hệ miễn dịch, liên quan đến AIDS, ung thư vùng họng, bệnh ung thư máu, các khối u hệ liên võng nội mô hoặc sử dụng thuốc corticoid kéo dài.
Ngoài ra, những bệnh hệ thống mạn tính (bao gồm đái tháo đường, bệnh hô hấp nặng, bệnh nhân đã ghép tạng thành công, có thể bị cùng với nấm phổi…) dễ mắc nấm thanh quản hoặc suy giảm sức đề kháng tại chỗ của bản thân niêm mạc vùng thanh quản do những thuốc xịt dự phòng hen có corticoid. Loại nấm hay gây bệnh ở thanh quản mà người ta phân lập được là Candida và Aspergillus.
Hệ lụy của nấm thanh quản
Biểu hiện thường gặp ở người bị nấm thanh quản có thể là triệu chứng khàn tiếng kéo dài là chính, khàn tiếng kéo dài trên hai tuần kèm theo ngứa cổ và ho từng cơn, những cơn ho có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, ho khan hoặc ho có đờm xanh vàng nếu kèm theo bội nhiễm.
BS Đào cho biết, nếu không được điều trị kịp thời, các bào tử nấm xâm nhập dần vào lớp tổ chức dưới niêm mạc tạo thành khối nấm giả u gây ra khó thở, khó nuốt, thậm chí thở rít. Nấm Candida albicans thường gây nhiễm trùng bề mặt, đặc trưng bởi sự phì đại của lớp biểu mô bề mặt do sự thâm nhiễm trực tiếp lên niêm mạc nhưng trong một số trường hợp phải nghĩ đến hiện tượng xâm nhập của nấm vào tổ chức dưới niêm mạc nếu người bệnh có sốt, rét run và sốt rét.
Khi thăm khám những bệnh nhân nhiễm nấm thanh quản thấy niêm mạc hố lưỡi thanh thiệt, thanh thiệt, sụn phễu, nẹp phễu thanh thiệt phù nề, có những vết loét nông, được phủ bởi giả mạc màu trắng ngà, bẩn.
Dây thanh xung huyết đỏ, nề, đôi khi hạn chế vận động và có lớp giả mạc trắng bám trên dây thanh, bảo bệnh nhân khạc mạnh không mất đi như lúc dây thanh bị đờm bám. Toàn bộ vùng họng và hạ họng xuất tiết nhiều nước bọt và tổ chức lympho thành sau họng tăng lên một cách đáng kể.
Xét nghiêm máu cũng có sự tăng bạch cầu đa nhân trung tính, các chỉ số xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.
X.quang cổ nghiêng đôi khi thấy dày phần sụn nắp thanh thiệt nên việc chẩn đoán còn nhầm với viêm thanh thiệt cấp.
Theo BS Đào, nấm thanh quản cũng có thể nhầm với một vài bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, u hạt, ung thư thanh quản… thì việc chẩn đoán nhầm dễ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Một số trường hợp đặc biệt khi không thể chẩn đoán phân biệt với ung thư thanh quản, người ta mới sử dụng thêm một số phương pháp khác hỗ trợ như chụp cắt lớp vi tính vùng thanh quản, sinh thiết vị trí tổn thương…
Tóm lại: Điều trị nấm thanh quản không khó và sau khi khỏi ít khi bệnh tái phát. BS Đào cho biết, chỉ sử dụng thuốc chống nấm khi chẩn đoán đã xác định là nấm vì đây là nhóm thuốc gây độc với gan và khi uống bệnh nhân thường rất mệt.
Thuốc hay được sử dụng chữa nấm thanh quản chủ yếu bằng đường uống, một số trường hợp đặc biệt có thể sử dụng thuốc chống nấm tiêm tĩnh mạch. Nhóm kháng sinh chống nấm phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm: amphotericin, flucanazole hoặc ketoconazole. Có thể sử dụng nystatin để làm thuốc thanh quản tại chỗ.
Thời gian điều trị thay đổi từ 10 đến 30 ngày phụ thuộc vào sự cải thiện của triệu chứng lâm sàng trên từng người bệnh. Chính vì vậy, khi thấy ho, khàn tiếng kéo dài không nên tự mua thuốc điều trị mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và điều trị. BS Đào khuyến cáo.
Mời độc giả xem thêm video:
5 Thói Quen Có Hại Cho Sức Khỏe Trong Ngày Nghỉ Tết Và Cách Phòng Tránh | SKĐS