Hà Nội

Ho kéo dài - Dùng thuốc thế nào?

17-10-2019 16:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều người bị ho kéo dài hàng tháng trời, gây mệt mỏi nhiều và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Họ thường tìm đủ các loại thuốc Đông, Tây y với mong muốn sẽ khỏi được ho nhưng ho vẫn hoàn ho. Vậy khi bị ho kéo dài cần phải dùng thuốc như thế nào?

Ho kéo dài được định nghĩa là hiện tượng ho kéo dài trên 4 tuần ở trẻ em và trên 8 tuần ở người lớn. Ho là một triệu chứng của rất nhiều bệnh vì thế để điều trị được chứng ho, người thầy thuốc phải dựa vào tính chất của cơn ho, nguyên nhân gây ra ho để tìm phương cách điều trị thích hợp.

Tính chất của ho: Ho khan hoặc ho có đờm, ho liên tục cả ngày và đêm hoặc ho ban ngày hoặc ho ban đêm, chỉ xuất hiện cơn ho khi nằm, ho từng cái một hay từng cơn.

Các biểu hiện kèm theo: Ho kèm theo khó thở hai thì hoặc thì thở ra, ho kèm theo biểu hiện chảy dịch mũi sau, ho kèm theo sốt, đau họng...

Thông thường người thầy thuốc điều trị nguyên nhân gây ra ho, chứ không cắt cơn ho trừ trường hợp ho thành cơn ảnh hưởng tới sinh hoạt như không ăn được, không ngủ được.

Trào ngược dạ dày - thực quản là một trong những nguyên nhân gây ho kéo dài.

Trào ngược dạ dày - thực quản là một trong những nguyên nhân gây ho kéo dài.

Các thuốc điều trị theo nguyên nhân

Tùy theo nguyên nhân gây ra triệu chứng ho kéo dài mà người thầy thuốc sẽ có các thuốc điều trị thích hợp.

Ho do trào ngược dạ dày thực quản

Những người bị trào ngược dạ dày thực quản, các thức ăn từ dạ dày bị trào ngược lên họng cũng có thể gây ho kéo dài. Khi đó thường dùng các thuốc như:

Các thuốc kháng acid: Là các chế phẩm chứa nhôm và magie, có tác dụng kháng acid tại chỗ, hầu như không hấp thu vào máu nên ít gây tác dụng toàn thân. Dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau bữa ăn 1 - 3 giờ và trước khi đi ngủ, 3- 4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày.

Các thuốc đối kháng thụ thể H2. được dùng trong các trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên như ợ hơi, ợ chua, nóng rát trước ngực... mà không đáp ứng với các thay đổi lối sống. Các thuốc thường dùng như cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin... Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhóm này là nhức đầu, chóng mặt, tăng men gan nhưng hiếm xảy ra...

Các thuốc ức chế bơm proton như omeprazol: Một đợt dùng thuốc từ 6 - 8 tuần. Trên 90% bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên có trên 80% bệnh nhân sẽ tái phát trong vòng 6 tháng sau khi ngừng omeprazol nên các bệnh nhân phải được duy trì dài hạn liều tiêu chuẩn hoặc liều cao thuốc đối kháng H2 .

Ho do viêm xoang

Kháng sinh: Tốt nhất là dùng theo kháng sinh đồ. Các thuốc có thể dùng như nhóm beta lactam (amoxicilin, penicilin, cephalosporin...). Có thể dùng levofloxacine  phối hợp với metronidazole và thuốc kháng histamin chống dị ứng nếu bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

Thuốc co mạch tại chỗ: Có tác dụng giảm phù nề, tạo thuận lợi cho sự thông khí và dẫn lưu xoang như xylometazolin. Tuy nhiên không được lạm dụng thuốc sẽ gây nhiều tác dụng bất lợi.

Corticosteroid: Có thể dùng đường uống hoặc dùng tại chỗ. Dạng xịt mũi tại chỗ làm giảm hiện tượng viêm, giảm khối lượng polyp.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ: Đưa thuốc vào xoang (Proetz), rửa mũi bằng NaCL 0,9%, khí dung mũi họng, chọc rửa xoang hàm.

Ho do viêm phế quản

Thường dùng các thuốc giãn phế quản đường phun hít như ventoline, bricanyl hoặc khí dung ventolin nebules hoặc salbutamol uống hoặc  brinoce uống.

Các thuốc cắt cơn ho

Trong các trường hợp ho thành từng cơn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, gây không ăn, ngủ được các thầy thuốc buộc phải dùng thêm nhóm thuốc này. Các thuốc cắt cơn ho ức chế trực tiếp, làm nâng cao ngưỡng kích thích của trung tâm ho ở hành tuỷ, đồng thời có tác dụng an thần, ức chế nhẹ trung tâm hô hấp.

Codeine: Chất giúp làm giảm cường độ và tần suất các cơn ho, nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân gây ra bệnh ho. Codein có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ. Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với thuốc, trẻ em dưới 12 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, phụ nữ có thai. Các thuốc chứa codein có thể gây ra tác dụng phụ như: Đau đầu nhẹ hoặc có thể choáng, nhịp tim chậm lại, dễ kích động, phát ban dạng nhẹ hoặc sốt. Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện ảo giác, có những suy nghĩ hoặc hành vi bất thường. Thị giác trở nên kém hơn, nhìn có cảm giác bị mờ nhạt...

Sulfoguaacetal: Giúp nhanh chóng làm lỏng đờm, giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản.

Dextromethorphan: Thuốc có tác dụng ức chế trung tâm ho, nên có tác dụng chống ho tương tự codein, nhưng ít gây tác dụng phụ hơn. Dextromethorphan chỉ định tốt trong trường hợp ho khan, mạn tính và không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO). Đối với người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng khi dùng cần hết sức thận trọng.

Thuốc kháng histamin: Một số thuốc có tác dụng kháng histamin H1 trung ương và ngoại biên (kháng H1 thế hệ 1) đồng thời có tác dụng chống ho, kháng cholinergic, kháng serotonin và an thần như alimemazin, diphenhydramin... được chỉ định dùng trong các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm. Do thuốc có tác dụng an thần nên khi dùng thuốc vào ban ngày không được làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao... vì dễ gây nguy hiểm. Tốt nhất là dùng thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Để phòng bệnh ho kéo dài, người bệnh cần chú ý điều trị sớm các nhóm nguyên nhân gây ra ho trước khi có biểu hiện triệu chứng như: Chữa sớm viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản... Nếu bị ho nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị theo nguyên nhân không để ho kéo dài.


PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn