Hà Nội

Ho kéo dài cảnh báo bệnh gì?

27-10-2023 08:45 | Y học 360

SKĐS - Ho không phải lúc nào cũng có hại, mà còn là phản xạ quan trọng giúp loại bỏ các chất nhày, các dị vật và nhiễm khuẩn từ đường thở. Tuy nhiên khi bị ho kéo dài, cơn ho không nghiêm trọng, không sốt, không đau họng lại là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nghiêm trọng khác.

Ho kéo dài, khàn tiếng, khó thở thận trọng với nấm thanh quảnHo kéo dài, khàn tiếng, khó thở thận trọng với nấm thanh quản

SKĐS - Thanh quản là bộ phận hẹp nhất của đường thở. Do thanh quản nằm ở cửa ngõ của đường hô hấp dưới với các chức năng đảm nhiệm là: thở, phát âm và bảo vệ phổi, nên các bệnh lý của thanh quản đều ảnh hưởng lên ba chức năng này, biểu hiện hay gặp nhất là khàn tiếng, khó thở và ho.

Ho kéo dài nhưng không có biểu hiện gì khác nên nhiều người thường chủ quan, dẫn đến nhiều nguy hại. Bởi đôi khi ho kéo dài là biểu hiện của bệnh lý, nhưng không phải ở cơ quan hô hấp, mà có thể do nhiều cơ quan khác gây ra.

Nguyên nhân gây ho kéo dài

Ho là một phản ứng sinh lý để bảo vệ cơ thể khi có các vật lạ hoặc các dịch kích thích niêm mạc đường hô hấp.

Ho kéo dài là tình trạng ho lâu ngày không khỏi, kéo dài trên 3 tuần. Đây là biểu hiện rất thường gặp, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ho kéo dài từ 3 - 8 tuần được gọi là ho bán cấp. Ho kéo dài trên 8 tuần được gọi là ho mạn tính.

Các nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài

- Bệnh lý đường hô hấp trên như: Viêm mũi vận mạch, viêm xoang dị ứng, polyp mũi. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài.

- Hen suyễn (hen phế quản): Ho do tình trạng này thường xuất hiện vào ban đêm, khi giao mùa hoặc tiếp xúc dị nguyên, thường kèm theo khó thở. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ho kéo dài.

- Do hút nhiều thuốc lá: Đây là nguyên nhân gây nên các tổn thương ở hệ hô hấp, dẫn đến chứng ho lâu ngày. Người hít khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ tương tự người hút thuốc lá.

- Trào ngược dạ dày - thực quản: Bệnh lý này cũng gây ho kéo dài, ho nhiều hơn khi nằm hay khi đói, kèm theo cảm giác đau thượng vị, nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, ợ chua. Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài.

- Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: Cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan… Một số trường hợp dù đã điều trị nhưng có thể còn ho kéo dài.

- Do thuốc chẹn thụ thể Angiotensin (ACE). Đây là loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, đái tháo đường hay bệnh thận. Khoảng 15% các trường hợp dùng thuốc này sẽ bị ho kéo dài.

Ho kéo dài cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 2.

Ho dai dẳng nhưng không có biểu hiện gì khác nên nhiều người thường chủ quan. Ảnh minh hoạ.

Ho lâu ngày có thể do các nguyên nhân sau gây ra

Do viêm mũi xoang kéo dài, khiến dịch viêm chảy xuống phần sau họng và kích thích gây ho. Lao phổi; Lao nội mạc phế quản; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Giãn phế quản; Viêm tiểu phế quản; Ung thư phổi; Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan…

Các nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ho kéo dài là: Dị dạng động tĩnh mạch phổi; Nhuyễn sụn khí, phế quản; Phì đại amidan; Tăng cảm thanh quản; Trào ngược thanh quản; Xơ phổi vô căn.

Các nguyên nhân trên đều có thể gây nên chứng ho mạn tính kéo dài ở người bệnh. Ngoài ra, ho lâu ngày còn có thể kèm theo một số triệu chứng như: Ho thường kèm theo đờm, chảy nước mũi, ngạt mũi. Cảm giác đau rát họng, ngứa họng muốn ho. Khó thở, thở khò khè, khản tiếng. Có thể ho ra máu. Ho kèm theo ợ chua, hôi miệng.

Ho kéo dài cảnh báo điều gì về sức khỏe?

Đây là một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, bởi các biểu hiện ho không kèm thêm các dấu hiệu nghiêm trọng khác khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, khi ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, có thể gây tổn thương đường hô hấp, dẫn đến ho ra máu. Đồng thời, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp phải một số bệnh lý nguy hiểm như: Ung thư phổi; viêm phổi; lao phổi; bệnh COPD… Vì vậy, nếu ho kéo dài không giảm khi đã sử dụng các biện pháp thông thường, thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.

Nếu tình trạng ho kéo dài diễn ra trên 3 tuần, cũng cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Đặc biệt, khi ho có đờm, ho ra máu, ho ngày càng nặng hơn, ho về đêm, ho ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động hàng ngày… nên đi khám càng sớm càng tốt.

Lời khuyên thầy thuốc

Điều trị ho kéo dài tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị đúng đắn. Để phòng ngừa cơn ho tái phát, cần tránh các tác nhân gây kích ứng đường hô hấp như: Khói bụi, không khí ẩm mốc, thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào phòng có điều hòa, lông của vật nuôi trong nhà, hạn chế uống nước lạnh và cần giữ ấm vùng cổ khi thời tiết lạnh.

Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp với luyện tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. Cần tiêm phòng vaccine một số bệnh truyền nhiễm đường hô hấp.

Khi có các triệu chứng ho lâu ngày, ho ra máu, mủ, tức ngực… nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

BS Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn