Hồ Hà Nội trước nguy cơ bị “bức tử”

22-12-2012 9:06 AM | Thời sự

Chỉ cần lướt qua một số ao, hồ trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội), bất kỳ ai cũng giật mình bởi cảnh tượng ao, hồ đang hàng ngày, hàng giờ bị một số đối tượng ngang nhiên san lấp, quây lều bạt, làm nhà ở, cửa hàng hàng để kinh doanh buôn bán.

Chỉ cần lướt qua một số ao, hồ trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội), bất kỳ ai cũng giật mình bởi cảnh tượng ao, hồ đang hàng ngày, hàng giờ bị một số đối tượng ngang nhiên san lấp, quây lều bạt, làm nhà ở, cửa hàng hàng để kinh doanh buôn bán. Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường sống của người dân khu vực mà còn khiến cho “lá phổi xanh” của Thủ đô đang bị chết dần chết mòn từ những hành vi vi phạm.

101 cách “bức tử” đầm, hồ!

Có mặt tại khu vực đầm Hồng, đầm Sen (thuộc địa bàn phường Khương Đình và Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chúng tôi không khỏi rùng mình bởi cảnh tượng lấn chiếm ao hồ nơi đây. Mặc dù, thời điểm hiện tại Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (Dự án 2) đang được khẩn trương thực hiện để trả lại cảnh quan, môi trường sống cho người dân khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh phần mặt nước hồ, ao đang được đơn vị thi công mau chóng bơm thoát nước nhằm cải tạo, nạo vét lòng hồ thì xung quanh đó tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hồ, ao lại đang diễn ra một cách trầm trọng. Theo phản ánh của người dân khu vực, hiện tượng san lấp, lấn chiếm lòng hồ diễn ra từ nhiều năm mà không bị dẹp bỏ bởi có một thế lực nào đó đứng đằng sau “bảo kê” cho  vụ việc. Họ sử dụng “chiêu thức” san lấp, lấn chiếm rất bài bản theo kiểu vật liệu đổ đến đâu thì vườn, nhà mọc lên đến đó. Nếu việc làm đó bị người dân phát hiện, tố cáo, phản ánh lên các cơ quan chức năng sẽ bị một nhóm đối tượng xấu đến dọa nạt, khủng bố tinh thần. Thậm chí còn bị dọa ném gạch, chất hôi thối vào nhà... Cũng theo người dân khu vực, thời gian qua, sau nhiều lần kiến nghị của nhân dân, chính quyền các cấp cũng đã có những động thái nhằm giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế thì chỉ như “ném đá ao bèo”, vi phạm chỉ tạm lắng, sau một thời gian lại tiếp tục tái diễn?!

Hồ Hà Nội trước nguy cơ bị “bức tử” 1
Rác, phế thải đổ tràn lan dần lấn chiếm lòng hồ

Không chỉ khu vực đầm Sen, đầm Hồng mà khu vực hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn bộ khu vực hồ đẹp đẽ là vậy nhưng đường nội bộ của hồ Ba Mẫu cũng chỉ kéo dài đến được khu vực giáp ranh giữa 2 tổ 49 và 23 của phường Phương Liên là bị chặn lại bởi cả một khoảng đất khuôn viên rộng lớn của hồ bị một số người dân quây rào, lấn chiếm để làm nhà ở. Điều kỳ lạ ở chỗ, hiện tượng này xảy ra đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền vào cuộc xử lý.

Bó tay trước vi phạm?!

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đầm Hồng có diện tích khoảng 20ha, nằm trên địa phận giáp ranh giữa 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, khu vực đầm Hồng gồm 3 hồ nước liền kề nhau: đầm Hồng, đầm Sen, đầm Sòi. Tuy nhiên, do cách thức quản lý tại cơ sở không chặt chẽ đã dẫn tới hiện tượng bị lấn chiếm, gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, ông Vương Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết, hiện đang có dự án cải tạo hồ Khương Trung I (thuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội). Phường đã bàn giao đất cho Ban dự án thi công theo Quyết định số 1888 của UBND thành phố Hà Nội. Diện tích phường bàn giao cho dự án là 115.957m2 thuộc 2 phường Khương Trung và Khương Đình, quận Thanh Xuân - Hà Nội. Trước đây, thời kỳ còn làng xã, các đầm này là nơi dân trực tiếp xả nước thải. Nhưng quá trình đô thị hóa khiến việc các kênh, mương bị lấp không đảm bảo thoát nước vào những ngày mưa. Bởi thế, việc úng ngập kết hợp thải nước của người dân đã gây ô nhiễm môi trường?! Bà Đỗ Thị Thu Hiền, cán bộ địa chính phường Khương Đình cho biết thêm, nói khu vực đó ô nhiễm là không đúng. Thực chất đây là dự án đang thi công, nạo vét, kênh mương. Hiện nay, dự án vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Mới giải phóng xong phần mặt nước, còn gần 100 hộ dân vẫn chưa di dời.

Như vậy có thể nói, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đầm, hồ trong nội đô bị “bức tử”, song việc chính quyền cơ sở không có chế tài xử lý quyết liệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích các đầm, hồ ngày càng bị thu hẹp, ô nhiễm, mất khả năng tiêu thoát nước cho nhiều vùng trong thành phố. Cơ quan chức năng cần có những kế hoạch “dài hơi” nhằm ngăn chặn nguy cơ diện tích mặt ao, đầm, hồ bị lấn chiếm, thu hẹp như hiện nay.

Hỏa Long



Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH