Thông tin gây bàng hoàng cho những ai có lương tri trong mấy ngày gần đây xuất hiện trên mặt báo: Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp hiện đang điều trị cho một bé gái mới 9 tháng tuổi trong tình trạng toàn thân bị chấn thương do bị đánh đập tàn nhẫn. Bé gái đáng thương đó là Nguyễn Thị Như Ý, bị chính mẹ ruột của mình là Nguyễn Thị Xuân Lan, 33 tuổi trú ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đánh đập.
"Hành hạ con..."
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, tỉnh Đồng Tháp, xác nhận với các phóng viên: bà Lan, mẹ của cháu bé kết hôn với người chồng ở Đài Loan (Trung Quốc) và sau đó theo chồng định cư. Đầu năm 2010, bà Lan có bầu và về quê sinh con. Khi bé Như Ý được 3 tháng tuổi, chồng bà Lan có về thăm vài tuần sau đó về nước. Bà Lan ở lại nuôi con. Khoảng thời gian này bà Lan phát sinh tình cảm với một người ở cùng xã, 33 tuổi.
Thời gian gần đây, hàng xóm của bà Lan lại nghe tiếng trẻ khóc ngất trong đêm kèm theo tiếng chửi bới. Tuy nhiên, bà Lan giữ bé rất kỹ trong nhà, không bế con đi chơi nên người dân tưởng bé khóc quấy như bao trẻ khác. Sau đó, họ tình cờ thấy trên thân thể bé nhiều vết bầm tím nên hồ nghi bé bị gia đình đánh liền gọi điện báo UBND xã. Sau nhiều lần tìm mọi biện pháp để vào được nơi đứa bé nằm, những người có trách nhiệm đã chứng kiến một sự việc đau lòng, thân thể cháu nhiều chỗ sưng phù, tím tái. Ngay sau đó, đứa bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp.
Ngược thời gian một năm trước đây, tại Đà Nẵng, cũng xảy ra trường hợp tương tự. Bé Trần Đức, 7 tháng tuổi, đang ở với bà nội ở Thanh Lộc Đán C, phường Thanh Khê Đông, liên tục bị mẹ ruột tên Na, tạm trú tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, hành hạ trong nhiều tháng.
Đỉnh điểm của vụ việc, một buổi, Na xông thẳng vào nhà bà nội , xốc nách bé Đức chạy xuống tầng 1, vứt vào cái nôi tre kéo xềnh xệch dưới mặt đất lổn nhổn đá từ chung cư ra đường Nguyễn Đức Trung gần 500m. Vụ việc đã được công an phường Thanh Khê, TP. Đà Nẵng can thiệp kịp thời.
![]() Bé Như Ý 9 tháng tuổi bị chính mẹ đẻ hành hạ dã man. Ảnh: CTV |
Nguyên nhân vì đâu?
Người xưa cũng thường nói: "Chỉ có con cái bỏ cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ từ bỏ con cái", chân lý đó chưa từng thay đổi. Nhưng phải chăng, xã hội đang ngày càng sống nhiều hơn với vật chất, gánh nặng quá lớn hay sự yêu thương đã nhạt màu theo thời gian? Phải chăng, người ta sẵn sàng từ bỏ đứa con mình sinh ra cho dù đứa trẻ có thể đang hơn bao giờ hết cần sự giúp đỡ?
Cũng phải nói rằng, chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn bạn bạo hành trẻ em như lúc này. Không nói đến vùng sâu, vùng xa, các vụ bạo hành đang diễn ra ở mức báo động ngay tại các thành phố lớn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo bà Đỗ Thị Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, đó là nhận thức của gia đình chính các em, nhận thức của người gây ra hành vi phạm pháp. Họ không hiểu biết đầy đủ về pháp luật, không hiểu biết đầy đủ về quyền lợi của trẻ và đã gây ra tổn thương cho các em. Ngoài ra, bên cạnh đó, phải nhắc đến trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Để bảo vệ, ngăn chặn việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột và xâm hại, cần sớm hoàn chỉnh chiến lược quốc gia về bảo vệ trẻ em. Chiến lược này là "xương sống", là một hệ thống bảo vệ trẻ em thống nhất. Muốn phòng ngừa hành vi xâm hại trẻ cần củng cố mạng lưới chăm sóc trẻ em tại cơ sở và qui trách nhiệm cao nhất là chính quyền địa phương. Đặc biệt phải nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng để người dân khi nghi vấn, phát hiện một vụ bạo hành biết cách nối kết với cơ quan chức năng nhanh nhất để giải quyết và hỗ trợ trẻ bị xâm hại.
Khánh Minh