Nhà thơ Ngân Giang có khiếu làm thơ từ nhỏ, bút hiệu ban đầu là Hạnh Liên. Bà sinh năm 1916, có thơ đăng báo từ năm bà mới lên 8 tuổi, đó là một bài thơ vịnh Kiều đăng trên báo Đông Pháp năm 1924. Năm 1932, bà có tác phẩm viết dưới dạng nhật ký, vừa là thơ, vừa là văn xuôi mang tựa đề Giọt lệ xuân do Nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Đình Long in, lúc đó bà mới 16 tuổi. Sau đó bà vào Sài Gòn sống bằng nghề viết văn, viết báo. Trở lại Hà Nội năm 1944, bà đổi bút danh là Ngân Giang và cho in tập thơ Tiếng vọng sông Ngân và được nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng khắt khe trong việc thưởng ngoạn văn chương, đã tỏ ý khâm phục bà “vừa giữ được cốt cách của Đường thi xưa, vừa có được hơi thở, sức sống của thời đại hôm nay”. Ngoài thơ Đường, bà còn làm thơ lục bát rất hay. Có những vần lục bát bà viết, nhưng không ký tên, thiên hạ cứ nghĩ đó là ca dao, như:
Ai làm cho vỏ nhớ trầu,
Cho thuyền nhớ bến cho cầu nhớ ao.
Ai làm nắng nhớ mưa rào,
Rượu thơ nhớ bạn, hoa đào nhớ xuân.
72 năm làm thơ, theo nhà bình luận thơ Nguyễn Phan Cảnh, nữ sĩ Ngân Giang làm được 4.000 bài thơ. Theo Vũ Hoàng Chương thì bài thơ hay nhất của bà là bài Trưng Nữ Vương, sáng tác năm 1939.
Trong tập Thơ Ngân Giang xuất bản năm 1990 (Nhà xuất bản Hà Nội), có bài Kính dâng các bậc anh hùng dân tộc sau đây:
Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo
Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh
Nhật Nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh
Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh
Dải Lam Sơn treo gương hào kiệt
Gò Đống Đa hằn gót viễn chinh
Mấy thuở không phai hồn chủng tộc
Muôn năm cờ đỏ dựng thanh bình.
Bài thơ này nữ sĩ đã thêu trên vóc đại hồng kính tặng Hồ Chủ tịch vào đầu năm 1946 và Người có gửi hai câu thơ cho nữ sĩ:
Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.
Hẳn rằng nữ sĩ Ngân Giang đã xúc động và hạnh phúc nhường nào khi được đọc hai câu thơ lục bát tuyệt tác mà Bác Hồ gửi cho để tỏ lòng cảm tạ.
Vũ Kiên (sưu tầm)