Hà Nội

Hộ chiếu vắc-xin hiểu thế nào cho đúng? 

16-04-2021 08:43 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi các loại vắc-xin COVID-19 ra đời đã mang đến cho thế giới niềm hy vọng để quay lại trạng thái bình thường và từ “Hộ chiếu vắc-xin” đã được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây. Vậy hiểu thế nào cho đúng về khái niệm này?

“Hộ chiếu vắc-xin” là gì?

Theo ông Peter Chin-hong, Đại học California, San Francisco (UCSF): Hộ chiếu vắc-xin về cơ bản là một cách xác minh nhằm chứng minh về những người đã nhận được tiêm chủng. Một hộ chiếu vắc-xin sẽ là tài liệu giấy hoặc kỹ thuật số mà người mang nó đã được tiêm chủng COVID-19, và trong một số trường hợp, họ có các kháng thể với SARS-COV-2 hoặc gần đây đã được xét nghiệm âm tính. Những người đã được cấp hộ chiếu vắc-xin có thể đến một số quốc gia hoặc tiểu bang nào đó mà không phải bị cách ly hoặc xét nghiệm.

Hiện một số quốc gia đang thử nghiệm các phiên bản hộ chiếu vắc-xin, hoặc lập kế hoạch về vấn đề này. 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang xem xét một số dạng hệ thống xác minh vắc-xin nhằm cho phép thông quan biên giới dễ dàng hơn ngay trong EU và được biểu thị dưới dạng Chứng chỉ xanh kỹ thuật số (DGC).

Trong khi du lịch nội địa dùng hệ thống giám sát dựa trên ứng dụng thì Trung Quốc đã triển khai hộ chiếu kỹ thuật số cho lữ hành quốc tế. Những quốc gia khác đang sử dụng hộ chiếu vắc-xin như một cách mở cửa cho khách du lịch.

Hộ chiếu vắc-xin hiểu thế nào cho đúng? Hộ chiếu vắc-xin có thể là dạng tài liệu giấy hoặc kỹ thuật số thể hiện hồ sơ chủng ngừa COVID-19.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA, cơ quan đại diện cho 290 hãng hàng không trên thế giới) hiện đang thử nghiệm ứng dụng Hộ chiếu lữ hành IATA (IATA Travel Pass), một ứng dụng có chứa hộ chiếu, các hồ sơ đi lại và tiêm chủng cũng như những kết quả xét nghiệm COVID-19.

Lợi ích của hộ chiếu vắc-xin

Hộ chiếu vắc-xin có thể sẽ là cứu cánh cho ngành công nghiệp du lịch, hiện dang bế tắc bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, hộ chiếu vắc-xin còn có thể được dùng để bật đèn xanh cho những cá nhân đã được tiêm chủng được tham dự vào những nơi tập trung đông người (buổi hòa nhạc, xem bóng đá...).

Israel, quốc gia được triển khai chủng ngừa nhanh nhất thế giới, đã tạo ra cái gọi là “hộ chiếu xanh” nhằm trao đặc quyền và tiếp cận cho các công dân đã được tiêm chủng. Ông Peter lý giải: “Hộ chiếu xanh của Israel có giá trị thực tiễn khi phân biệt chính xác người được chủng ngừa và chưa tiêm chủng thông qua mã QR. Tại Mỹ, người ta cũng đang để mắt tới mô hình này”.

Các chuyên gia y tế hy vọng rằng, việc xuất hiện hộ chiếu vắc-xin sẽ thu hút nhiều người tiêm chủng hơn. Theo một cuộc thăm dò gần đây bởi NPR/PBS NewsHour/Marist thì 30% số người Mỹ trưởng thành sẽ chọn cách không chủng ngừa COVID-19. Nhưng con số này có thể thay đổi nếu hộ chiếu vắc-xin mở cửa và mở biên giới, khi đó tiêm chủng và hộ chiếu vắc-xin sẽ thành việc bắt buộc.

Và những hạn chế

Vẫn có không ít tranh cãi xoay quanh việc tiêm chủng và dùng hộ chiếu vắc-xin. Tại Mỹ, một số tiểu bang đã ban hành luật chống phân biệt đối xử đối với công nhân hoặc học sinh ghi danh vào các trường học sau khi họ tiêm chủng. Dù hộ chiếu vắc-xin được cho là cách để mở cửa thế giới nhưng một số chuyên gia y tế lại không xem nó là lý tưởng cho việc đi lại.

Hộ chiếu vắc-xin hiểu thế nào cho đúng? Ông Peter Chin-hong, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco (UCSF).

Ông Peter nhấn mạnh: Đang có nhiều quốc gia ngẫu nhiên mở cửa mà không hề có bất kỳ nỗ lực phối hợp nào. Hộ chiếu vắc-xin không phải là “kim bài miễn tử” để lơ là không đeo khẩu trang và nó chỉ là một cách chứ không phải là biện pháp duy nhất. Hơn nữa, trên bình diện toàn cầu, một số quốc gia có nguồn dự trữ vắc-xin, trong khi những quốc gia khác lại đang chật vật tiêm chủng cho nhân viên tuyến đầu và những người có rủi ro cao vì COVID-19.

Ngoài ra còn có những lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư và gian lận liên quan đến các hồ sơ y tế. Rủi ro của các hành vi làm giả mạo giấy tờ y tế đã khiến nhiều quốc gia nghĩ đến kỹ thuật số. Một khía cạnh khác, dù các hộ chiếu kỹ thuật số tỏ ra dễ dàng với nhiều người thì lại gây khó khăn cho nhiều người dân trên thế giới không được tiếp cận internet, còn điện thoại thông minh thì lại quá xa vời. Vì lệ thuộc vào kỹ thuật số nên không ít người lo sợ việc đòi bằng chứng tiêm chủng để đi du lịch, đi làm, hoặc đi học.


Nguyễn Thanh Hải
Ý kiến của bạn