Năm 1890, Nguyễn Sinh Cung, cậu bé sẽ mang tên Hồ Chí Minh, cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Việt Nam đau thương vào thời điểm nhà thơ Anh Rudyard Kipling phán đoán: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau!” Lịch sử đã phủ nhận lời tiên tri ấy, lời tiên tri có vẻ huyền thoại về “gánh nặng trách nhiệm của người da trắng” đối với người da màu trên trái đất.
Trong thế kỷ 20, sự thách thức vũ khí nguyên tử nhen lên từ Hiroshima, những đảo lộn về kinh tế, chính trị và xã hội do cách mạng công nghiệp lần thứ ba gây ra, quá trình phi thực dân hoá và “Chủ nghĩa thế giới thứ ba” (tiersmondisme), những vấn đề sống còn của nhân loại đã tăng cường sự giao tiếp giữa các quốc gia, xích các dân tộc lại gần nhau và làm nảy nở những mối tương tác văn hoá (acculturation) đầy hứa hẹn. Những nhân vật đại diện cho tinh hoa thế giới, những con người mà bà Indira Gandhi gọi là những “hỗn hợp Đông Tây “ (1) đã xuất hiện. Hồ Chí Minh đã được xếp vào lớp tinh hoa tiêu biểu cùng với Tagore, Gandhi, Aurobiondo, Romain Rolland, Lafcadio Hearn, Pearl Buck, Hermann Hesse, Kazantzakis…
![]() Bác Hồ những năm ở Pháp. Ảnh: TL |
Trái với nhiều lãnh tụ cách mạng châu Á khác, Hồ Chí Minh đã đi vào cuộc đời chính trị, tự đào tạo và trưởng thành ở châu Âu, nhất là qua những năm ở Pháp. Vậy mà Bác Hồ vẫn rất Việt Nam và Á Đông, điều khiến cho những người phương Tây tiếp xúc với Bác hết sức ngạc nhiên. Theo Jean Roux, biên tập viên báo Pháp France Tireur: “Hồ Chí Minh kết hợp chất anh hùng và đạo lý, ông luôn là một thứ Gandhi mác-xít đại diện cho triết lý Á Đông”. Nguyễn Tất Thành “Tây du” với đầu óc rộng mở. Hồ Chí Minh luôn luôn giữ tinh thần ấy. Bác đã trả lời một nhà báo: “ Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên… các vị ấy đều muốn làm lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin rằng các vị ấy sẽ chung sống với nhau thoải mái như những người bạn tốt.” Nguyễn Ái Quốc thâm nhập phương Tây dễ dàng, tự nhiên. Qua các chuyến đi khắp các lục địa, qua tiếp xúc quảng giao, hoạt động xã hội và cách mạng, ông nhanh chóng tăng vốn hiểu biết tri thức và kinh nghiệm cuộc đời. Tư tưởng phương Tây lấy lý tính và khoa học làm tiêu chuẩn chân lý. Nguyễn Ái Quốc học ở đó phương pháp phân tích, nhất là phân tích duy vật biện chứng mác-xít. Nguyễn Ái Quốc đã học được nhiều ở những đảng viên xã hội và Cộng sản Pháp. Ông đã kết bạn với Jacque Duclos, Marcel Cachin, ông dự những buổi nói chuyện của nhà văn, nhà hoạt động chính trị Séverine. Ở Câu lạc bộ Ngoại ô, ông thường phát biểu, tham gia thảo luận đủ các vấn đề, từ thiên văn học, chính trị, văn học… Năng khiếu này càng được mài giũa khi ông bước vào lĩnh vực báo chí.
Xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Nguyễn Ái Quốc đã tôi luyện những lý tưởng cách mạng Tiến bộ, Tự do, Dân chủ ở phương Tây và tiếp nhận chúng qua lăng kính giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu cho Đệ Tam quốc tế, Đảng Cộng sản Pháp vì hai tổ chức này bênh vực chính nghĩa của những dân tộc thuộc địa.
Quả thật là Bác Hồ tìm một chủ nghĩa cộng sản có tình người, kế thừa những truyền thống cách mạng xã hội chủ nghĩa 1917, nhưng tiếp thu cả tinh hoa của những cuộc cách mạng tư sản ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc,một chủ nghĩa cộng sản tôn trọng cá nhân. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Hồ Chủ tịch trích dẫn những văn bản của hai cuộc cách mạng tư sản Pháp và Mỹ. Theo thượng nghị sĩ Anh William Warbey, sự ngưỡng mộ của Hồ Chí Minh đối với những thành tích lịch sử và những hoài bão của nhân dân Mỹ bắt nguồn từ những chuyến thăm New York, Boston… Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Bác đã có cơ hội biết và yêu nhân dân Mỹ. Lập trường giai cấp của Bác vững chắc mà rất nhân đạo. Chính Bác đã dũng cảm tuyên bố “sửa sai cải cách ruộng đất”. Là một cùng dân (paria), Bác là Tổng biên tập báo Paria cảm thông với số phận các cùng dân trên thế giới. Tình cảm của Bác thể hiện ngay từ sự lựa chọn những sách đọc đầu tiên ở phương Tây, của những nhà văn tiến bộ thế giới Shakespeare, Dickens, Hugo… Ông còn đọc Proudhon và Michelet cho những thanh niên Việt tha hương trong một căn hầm của phố Marché des Patriarches. Ông quen nữ sĩ Colette và thán phục Jaurès. Mẫu số chung các tác giả trên là tình thương người cơ cực, bị áp bức.
Tính hài hước của Hồ Chí Minh cũng pha lẫn Đông và Tây, kết hợp nhiều thành tố: thông minh và hồn nhiên nông dân, giọng châm biếm của nhà nho Việt Nam, cái dí dỏm của dân Paris. Rất ghét tôn sùng cá nhân, Hồ Chí Minh biết tự nhạo mình và nhạo người khác, không ngần ngại đùa, nói vui với mọi người, tránh thói trịnh trọng, câu nệ. Trước khi Bác qua đời ít lâu, Bác nhờ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud gửi cho ít đĩa hát của Maurice Chevalier.
Phương Đông và phương Tây, quốc gia và quốc tế, hành động và thi ca, truyền thống và cách mạng, lý tưởng và tình cảm, Hồ Chí Minh đã giải quyết những mâu thuẫn ấy một cách biện chứng tuyệt vời.
(1) Diễn văn đọc ở Trường đại học Sorbonne Paris.
Hữu Ngọc