Hồ Chí Minh, sứ giả của tự do và hy vọng

18-05-2011 21:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Kể từ thuở sơ khai của lịch sử, cả hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ đã chứng kiến ách thống trị ngoại bang nhưng tinh thần kiên cường và không thể bị khuất phục đã giúp họ vùng lên đánh bại những thế lực xâm lăng.

* Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam viết riêng cho báo SK&ĐS

Kể từ thuở sơ khai của lịch sử, cả hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ đã chứng kiến ách thống trị ngoại bang nhưng tinh thần kiên cường và không thể bị khuất phục đã giúp họ vùng lên đánh bại những thế lực xâm lăng. Chỉ khi người dân Ấn Độ đứng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ và xây dựng đất nước thì tâm điểm hướng về Việt Nam - nơi có một người giản dị trong bộ đồ nâu sòng và đôi dép cao su đang lãnh đạo và tập hợp những người dân không có quyền lực và không được trang bị vũ khí chống lại ách áp bức bóc lột. Những thường dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một con người giản dị tên là Nguyễn Sinh Cung, là người đã được sứ mạng lịch sử lựa chọn để trở thành “Hồ Chí Minh” và được người Việt Nam gọi bằng cái tên thân yêu “Bác Hồ”, sẽ sống mãi với thời gian.

Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở thành những cái tên thân quen trong mọi gia đình ở Ấn Độ giữa những năm 1945 và 1975 khi Việt Nam đang trải qua cuộc chiến cam go để giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Người dân Ấn Độ vừa trải qua vết thương chiến tranh chống lại thực dân, có thể thấu hiểu và cảm nhận nỗi đau thương mất mát của nhân dân Việt Nam. Họ có thể dễ dàng vẽ nên đường song song về định mệnh của hai dân tộc. Đó là tính chân chính trong sự nghiệp đã đưa Ấn Độ bày tỏ tình đoàn kết bằng cả trái tim, đạo lý và trợ giúp về mặt tinh thần và vật chất cho những người Việt Nam yêu nước và gan dạ.
 
 Bác Hồ và Thủ tướng Nê-ru thăm học sinh trường khiếm thị nhân dịp Bác Hồ thăm Ấn Độ tháng 2/1958. Ảnh: TL.
Đối với nhân dân Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành tâm điểm cho các cuộc biểu tình chống lại ách áp bức thực dân. Tại Bengal, bài ca kết đoàn Amar Nam Tomar Nam, Vietnam Vietnam, có nghĩa “Tên chúng ta tên các bạn, Việt Nam, Việt Nam”. Từ “Nam”, trong tiếng Hindi/Bengali có nghĩa là “tên gọi”, vang lên hoà cùng nhịp điệu Việt Nam đã tạo nên sức sống mãnh liệt. Thêm vào đó, trong những năm 1960 đã xảy ra những sự kiện thể hiện tình cảm son sắt của người dân Ấn Độ dành cho Việt Nam và Hồ Chí Minh. Một trong những sự kiện đó là vào ngày 19/5/1970, trước cổng lãnh sự quán Mỹ tại con phố Harrington ở trung tâm Kolkota, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Nắm tay Việt Nam”, xoá sổ tên cũ của nó ra khỏi bản đồ phố và đặt cho nó một cái tên mới “Hồ ChíMinh Sarani”. Cái tên mới này sau đó đã được chính thức công nhận. Sau đó thì một bức tượng đài Hồ Chí Minh, món quà do nhân dân Việt Nam trao tặng, cũng được đặt ở quảng trường gần đó. Khi Hồ Chí Minh tới Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức vào năm 1958, ngài đã tới thăm Kolkota, và tại đây, ngài đã được tiếp đón nồng nhiệt.
 
Ngày nay, hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ đang thụ hưởng thành quả của mối quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau của Chính phủ hai nước. Nhưng có được điều đó là nhờ vào công lao của các bậc tiền nhân, những vị lãnh tụ vĩ đại là Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước chúng ta. Tình bạn giữa hai lãnh tụ đã trải dài qua suốt quãng đời của họ. Mối hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tương thân tương ái giữa hai vị lãnh tụ được minh chứng bởi những vần thơ mà Hồ Chí Minh đã viết gửi cho Jawaharlal Nehru trong ngục tù năm 1943.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ năm 1958 đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước và là một ngày gặp gỡ của hàng triệu con tim người dân Việt Nam và Ấn Độ. Bài diễn văn của Hồ Chí Minh trên lễ đài thảm đỏ quảng trường lịch sử Fort ở Delhi đã để lại ấn tượng không thể phai trong tâm trí của hàng vạn người dân Ấn Độ. Sự bao dung nhân từ trong nhân cách của ngài mãi mãi giành được tình cảm của vô vàn trái tim người dân Ấn Độ.

Trong ngày lễ Hindi thế giới 10/1/2011 được tổ chức tại Hội trường Hồ Chí Minh - Jawaharlal Nehru tại Đại sứ quán Ấn Độ, Hà Nội, trưng bày vô số hiện vật và tranh ảnh tái hiện lại những giây phút lịch sử trọng đại giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với nhân dân Ấn Độ, có sự tham dự của nguyênBộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, người đã từng có cơ hội làm phiên dịch tiếng Hindi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến thăm của ngài tới Ấn Độ. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã kể lại kỷ niệm rất nhiều người dân Ấn Độ đã đổ ra đường thành những hàng dài để được nhìn thấy Hồ Chí Minh và hô vang “Hồ Chí Minh Zinbadad”, có nghĩa là “Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngài cảm động bởi tình cảm yêu mến của người dân Ấn Độ nên đã bước ra khỏi xe để bắt tay và nói chuyện với đám đông, mặc cho đội ngũ lễ tân và an ninh cảm thấy e ngại. Sau đó, trong một bữa tiệc để đón chào ngài do TS. Rajendra Prasad chủ trì tại Hội trường Rashtrapati Bhavan, các vị khách Ấn Độ đã được chứng kiến sự dí dỏm và giản dị trong tính cách của ngài. Trong một tình huống khó xử khi mà các vị khách tỏ ra lo lắng khi phải ăn món “gà Tandoori” bằng dao và dĩa, ngài đã ngay lập tức hiểu ra và giúp mọi người bớt lo lắng “các bạn thấy đấy, khi ăn gà bằng dao và dĩa, chẳng khác gì nói chuyện với người yêu mà qua anh phiên dịch”. Các vị khách cùng phá lên cười và không còn tỏ ra e dè khi thưởng thức món gà truyền thống của người Ấn Độ theo đúng cách.
 
Các tác phẩm và cuốn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ của Ấn Độ và được độc giả đánh giá cao. Điển hình trong đó là những lời tuyên ngôn bất hủ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Những tuyên ngôn này nhắc nhở người dân Ấn Độ về cuộc chiến tranh giành độc lập khi Mahatma Gandhi kêu gọi người dân “Đấu tranh hay là chết”. Người dân Ấn Độ đã vẽ ra một đường song song giữa bài diễn văn của Jawaharlal Nehru vào ngày 15/8/1947 khi Ấn Độ giành độc lập với bản Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ Chí Minh đã đọc vào ngày 2/9/1945, kêu gọi toàn thể người dân tiến về phía trước để giành được vinh quang mà họ xứng đáng được hưởng. Những tiến bộ đạt được giữa hai dân tộc kể từ đó là minh chứng cho tầm ảnh hưởng lớn lao mà hai vị lãnh tụ đã để lại trong tâm trí của toàn thể người dân hai nước.

 Đại sứ Ranjit Rae phát biểu tại hội trường Jawaharlal Nehru - Hồ Chí Minh của Đạisứ quán Ấn Độ.
Không gì có thể khiến người dân Ấn Độ ấn tượng hơn là nhân cách của Hồ Chí Minh. Tầm nhìn, tư tưởng, năng khiếu văn học, tài năng lãnh đạo, tài năng quân sự của ngài, và trên tất thảy là tính cách khiêm nhường và giản dị của ngài. Nhân dân Ấn Độ coi ngài như sứ giả (Messiah) của người dân Việt Nam nói riêng và tư tưởng của ngài đã khơi nguồn cho những người dân bị áp bức trên mọi miền của thế giới nói chung. Tình yêu trẻ thơ và niềm tin của ngài vào trẻ em đã được biết đến trên toàn thế giới và do đó ngài đã được gọi đến bằng cái tên thân thương “Bác Hồ”, cũng giống như Jawaharlal Nehru đã được gọi trong tiếng Ấn Độ là “Chacha Nehru” hay “Bác Nehru”. Sau đó, cô con gái của Nehru là Indira Gandhi, sau này đã trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại và Thủ tướng của Ấn Độ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp bà trong chuyến thăm Ấn Độ, ngài đã gọi Indira Gandhi là “cô con gái bé bỏng” và Gandhi gọi ngài là “Cha Hồ” với niềm yêu mến và hãnh diện. Khi nói về Ngài, bà luôn nhắc tới ngài như là “Bác Hồ” trong tiếng Việt. Không mấy ngạc nhiên tại sao một công viên xinh đẹp tọa lạc tại phố Láng Hạ ở Hà Nội được đặt tên là công viên Indira Gandhi với bức tượng của bà đặt ở cổng chính để gợi nhớ thế hệ trẻ về quan hệ hai nước mà các vị lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc đã vun đắp.
Tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước đã được thể hiện qua vô số chuyến thăm cấp cao trong lịch sử cho tới nay. Điển hình là chuyến thăm đầu tiên của Jawaharlal Nehru tới Việt Nam vào năm 1954. Jawarharlal Nehru là một trong số những nhà lãnh đạo đầu tiên tới thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ năm 1958 được tiếp nối bởi chuyến thăm của TS. Rajendera Prasad, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ vào năm 1959, người đã mang chồi cây bồ đề từẤn Độ để trồng tại chùa Trấn Quốc ở Hà Nội. Bây giờ, chồi non đã trở thành một cây to khoẻ và được các tín đồ dùng làm nơi thờ tự. Bà Pratibha Devi Singh Patil, Tổng thống Ấn Độ trong chuyến thăm Hà Nội năm 2008 cũng đã ghé thăm chùa Trấn Quốc và thăm lại cây bồ đề năm xưa. Đó là kết quả của một nền tảng vững chắc giữa Ấn Độ và Việt Nam đã trở nên ngày một thân tình hơn theo thời gian. Hợp tác giữa hai nước đã trở nên đa dạng hoá trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, giáo dục và văn hoá. Chính phủ Ấn Độ do đó đã quyết định mở một Trung tâm Văn hoá Ấn Độ tại Hà Nội nhằm nâng tầm quan hệ giao lưu giữa hai dân tộc trong lòng dân chúng.
 
Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), một dạ tiệc lớn đang được nhóm đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ tổ chức tại Kolkota. Đây là ngày để người dân Ấn Độ và mọi người tưởng nhớ một con người, một nhân cách vĩ đại tượng trưng cho chân giá trị và tự do của nhân loại.

 


Ý kiến của bạn