Ho 2 tuần không khỏi, nữ giáo viên Đà Nẵng mắc bệnh cực hiếm

10-06-2023 17:19 | Y tế
google news

SKĐS - Chị T.B.H 26 tuổi, là giáo viên, có ho khan, tức ngực kèm khó thở nhẹ trong hai tuần, không sốt, đã tự điều trị tại nhà không khỏi, đến BV Ung bướu Đà Nẵng phát hiện mình mắc bệnh hiếm.

Sau khi được thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra, phát hiện bệnh nhân có khối choán chỗ thùy dưới phổi trái kích thước 77x77x120 mm, có động mạch nuôi xuất phát từ đoạn xuống động mạch chủ ngực, dẫn lưu tĩnh mạch về tĩnh mạch phổi trái và tĩnh mạch bán đơn.

Ho 2 tuần không khỏi, nữ giáo viên Đà Nẵng mắc bệnh cực hiếm - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thuốc cản quang, thấy được tổ chức phổi biệt lập kích thước lớn và động mạch nuôi biệt lập có nguồn gốc từ động mạch chủ ngực.

Kết luận tổn thương phổi biệt lập thể trong thuỳ, vị trí phân thùy S10 phổi trái. Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng nhiễm trùng kèm theo.

Bệnh nhân được chẩn đoán là Phổi biệt lập bội nhiễm. Được điều trị kháng sinh khống chế nhiễm trùng và chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.

Được đánh giá là ca bệnh hiếm, cùng với sự dị dạng bất thường mạch máu, ca mổ được thực hiện bởi ê kip của BS CKII Đặng Nguyên Kha phối hợp với ê kip của BS CKII Ngô Văn Chấn Khoa Gây mê hồi sức.

Ho 2 tuần không khỏi, nữ giáo viên Đà Nẵng mắc bệnh cực hiếm - Ảnh 2.

Tổ chức phổi biệt lập nằm trong thùy dưới phổi trái được phẫu thuật.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ tiến hành phẫu thuật, với đầy đủ phượng tiện, ê kip đã kiểm soát được các mạch máu lớn, loại bỏ thành công thùy phổi chứa tổ chức phổi biệt lập. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, chưa phát hiện các biến chứng liên quan phẫu thuật, được ra viện sau 10 ngày.

Theo BS CKII Đặng Nguyên Kha, Trưởng khoa Ung Bướu Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đây là ca phẫu thuật phổi biệt lập thứ hai trong hơn 15 năm kinh nghiệm công tác chuyên Khoa Ngoại Lồng ngực – Tim mạch.

Phổi biệt lập là bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp, với tỷ lệ bắt gặp chỉ từ 0,1-6% trong tổng số các bệnh lý bất thường cấu trúc và sự phát triển của phổi.

Bệnh này có thể phát hiện rất sớm (dưới 6 tháng tuổi) và đi kèm các bệnh lý dị dạng bẩm sinh khác.

Ở tuổi vị thành niên trở về sau, bệnh dễ nhầm lẫn với tổn thương viêm phổi thông thường như ho, sốt, đau ngực, chẩn đoán thường khó khăn nếu không có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cần thiết tại các cơ sở y tế có chuyên khoa.

Với các bất thường các hệ mạch máu nuôi cộng thêm quá trình nhiễm trùng tái diễn, nên cấu trúc giải phẫu liên quan có nhiều bất thường gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Phẫu thuật là lựa chọn tối ưu cho điều trị phổi biệt lập, tốt nhất nên được thực hiện bởi các phẫu thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm về chuyên Khoa Ngoại lồng ngực.


BS Hồ Minh Nhật (BV Ung bướu Đà Nẵng)
Ý kiến của bạn