K=K là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. K=K đã được 859 tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại hơn 97 quốc gia công nhận và ủng hộ.
K=K có nghĩa là một người uống ARV hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính. Tải lượng vi rút không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, do bạn tình của người nhiễm HIV được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động; can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS do chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS phát động.
Đối với nhiều người sống với HIV và bạn tình của họ, K=K là một cơ hội chưa từng có để biến đổi cuộc sống của người nhiễm HIV. Họ có thể sống mà không sợ lây truyền qua đường tình dục và có thể lên kế hoạch cho con cái của họ.
K=K được phổ biến rộng rãi sẽ góp phần thúc đẩy xét nghiệm sớm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị.… từ đó góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát dịch HIV; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Việt Nam hiện có 135.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị.
Chiến dịch quốc gia K=K tập trung ở trung ương và 11 tỉnh, thành phố với các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.
Các tỉnh, thành phố khác sẽ lồng ghép thông điệp K=K trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS.
Các chuyên gia phòng chống HIV, AIDS Việt Nam và quốc tế cùng bàn luận để tăng hiệu quả chiến dịch K=K, giảm sự lây lan của dịch HIV.
TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, chiến dịch quốc gia K=K nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng bao gồm cả người cung cấp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của: Không phát hiện = Không lây truyền. Từ đó thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là “án tử hình” mà là một bệnh truyền nhiễm mạn tính có thể dự phòng và quản lý được.
Đồng thời tăng cường sự tham gia của các địa phương trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động phổ biến các thông điệp K=K nhằm giảm kỳ thị và tăng cường tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Cải thiện năng lực và giảm kỳ thị trong cung cấp dịch vụ thông qua tập huấn và các hoạt động tại cộng đồng cho các cơ sở y tế và người cung cấp dịch vụ.
Cũng theo TS. Cảnh, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia vào mục tiêu phòng chống và giảm tỉ lệ nhiễm HIV, bằng cách tăng cường nhận thức của cộng đồng về HIV và điều trị thuốc kháng HIV, đặc biệt về việc tiếp cận với xét nghiệm và thuốc ARV hiện nay đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuốc được BHYT chi trả 100%...
Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh; đặc biệt là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi (cả nước hiện có khoảng 170.000 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới). Sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng, cảnh báo nguy cơ dịch HIVAIDS có thể trở lại trong nhóm trẻ tuổi.
Hiện tại ở Việt Nam mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; khoảng 70% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 94% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Tuy nhiên, K=K chỉ áp dụng ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục; không áp dụng ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường máu, đường lây truyền HIV từ mẹ sang con và không áp dụng cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.