Hình tượng công nhân trong văn học: Mờ nhạt, vì sao?

29-12-2014 09:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong nhiều năm trở lại đây, không khó để nhận thấy đội ngũ sáng tác văn học ở nước ta thường viết về tình yêu, tình bạn, truyện kinh dị, tuổi mới lớn... mà ít ai để ý đến mảng đề tài về giai cấp công nhân.

Trong nhiều năm trở lại đây, không khó để nhận thấy đội ngũ sáng tác văn học ở nước ta thường viết về tình yêu, tình bạn, truyện kinh dị, tuổi mới lớn... mà ít ai để ý đến mảng đề tài về giai cấp công nhân. Có lẽ vì thế mà nền văn học Việt Nam đương đại dù rất phong phú và đa dạng nhưng đang thiếu những tác phẩm thật sự chất lượng tương xứng với vai trò, sự phát triển của giai cấp công nhân.

Ít được quan tâm

Ngược dòng thời gian sẽ nhận thấy đời sống văn học nước ta từng có nhiều tác phẩm về hình tượng người công nhân xuất sắc, được công chúng qua các thế hệ nhớ mãi. Nổi bật trong số tác phẩm về người công nhân trước kia phải kể đến bộ tiểu thuyết Cửa biển của nhà văn Nguyên Hồng; Vùng mỏ - Giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952 hoặc Những người thợ mỏ của Vũ Huy Tâm... Những năm về sau có sự xuất hiện của nhiều tác giả tiêu biểu cũng thành công với đề tài công nhân, như: nhà văn Ma Văn Kháng, Võ Khắc Nghiêm, Huy Phương, nhà báo - nhà văn Xuân Cang...

Những tác phẩm văn học về đề tài công nhân vẫn để lại dấu ấn trong lòng độc giả.

Nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng được xem là người viết “chất lượng” về đề tài công nhân. Ông đã rất thành công với tiểu thuyết Mưa mùa hạ và đặc biệt là tập truyện Một chiều giông gió - Tặng thưởng đặc biệt viết về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 1999 - 2010. Thường xuyên theo dõi, quan sát và cập nhật đời sống văn học nước nhà, lão nhà văn Ma Văn Kháng nhận thấy, từ khi đất nước thống nhất thì mảng đề tài về người công nhân có phần lắng xuống. Lý do của sự “lắng xuống” đó có nhiều, nhưng lão nhà văn thấy rõ nét là sự hờ hững của đội ngũ những người sáng tác văn học ở nước ta đối với đề tài người công nhân.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng khẳng định, nhiều năm qua chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm viết về người công nhân như Một chiều giông gió và nếu có tác phẩm ra đời thì cũng chưa thực sự gây được ấn tượng với đông đảo bạn đọc.

…Nhưng còn đó cú hích

Có lẽ vì thấy thực trạng đời sống văn học còn quá ít tác phẩm viết về người công nhân, muốn tạo ra cú hích nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm qua vẫn mở ra cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài công nhân theo giai đoạn. Tháng 9/2014, hai cơ quan này đã làm lễ trao giải cho những tác phẩm văn học tham dự cuộc vận động viết về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 2010 - 2014. Trong 4 năm, Ban Tổ chức cuộc vận động này đã nhận được gần 500 tác phẩm dự thi thuộc mọi thể loại như: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cuối cùng, Giải Nhất thể loại thơ đã được trao tặng tác giả Đặng Bá Tiến với tác phẩm Rừng cổ tích và tác giả Hoàng Việt Hằng với tác phẩm Xóa và không xóa. Giải Nhất thể loại văn xuôi được trao tặng tác giả Trần Tâm với tác phẩm Đất bỏng và tác giả Bùi Việt Sỹ với tác phẩm Dòng sông chối từ.

Theo Ban Tổ chức Cuộc vận động viết về đề tài công nhân và công đoàn Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014, đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, với nhiều tác phẩm có nội dung phong phú, đa dạng thuộc các lĩnh vực ngành nghề; về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong cả nước; về những tấm gương tiêu biểu trong công nhân lao động và cán bộ công đoàn... Những gì gắn bó với đời sống tinh thần lẫn vật chất đã được các tác giả phản ánh ở mọi góc cạnh, đa chiều và được khắc họa sinh động trong từng trang viết. Đó có thể là những hình ảnh người lao động hăng say sản xuất, người công nhân dung dị trong đời thường với tình yêu quê hương, đất nước...

Tôi lại nhớ có lần nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự, ông vui mừng vì còn có những cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân đã, đang được mở ra. Bởi lẽ, qua cuộc vận động đó sẽ tạo ra một cú hích thật sự, thu hút sự quan tâm đối với đội ngũ những người sáng tác.

Quỳnh Phạm

 

 


Ý kiến của bạn