Hà Nội

Hình thành vùng trồng quế nguyên liệu, sinh kế mới của người dân miền núi

29-09-2023 16:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đang triển khai đề án phát triển vùng trồng cây quế nguyên liệu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nam Đông là một huyện miền núi nằm cách TP. Huế khoảng 50 km về phía Tây Nam, gồm có 10 xã, thị trấn. Dân số 7.104 hộ với 29.370 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số khoảng 12.571 người, chiếm tỷ lệ 45,01, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Hình thành vùng trồng quế nguyên liệu, sinh kế mới của người dân miền núi- Ảnh 1.

Với những đặc điểm về khí hậu, đất đai thuận lợi là điều kiện tốt cho huyện miền núi Nam Đông phát triển cây dược liệu.

Lãnh đạo UBND huyện Nam Đông cho biết, với những đặc điểm về khí hậu, đất đai đã tạo nên sự đa dạng về loài, phong phú về dược liệu ở địa phương. Hiện nay, các loài cây dược liệu phổ biến phân bố ở rừng tự nhiên chủ yếu là ngũ gia bì, mật nhân, chè dây, vàng đắng, thục địa, sâm nam, ba kích, bảy lá một hoa, nhân trần, nấm linh chi lim, nấm linh chi thường…

Nhằm phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Huyện uỷ Nam Đông vừa ban hành Nghị quyết phát triển vùng trồng cây quế nguyên liệu.

Đề án nhằm phát triển bền vững, hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân, đưa sản xuất ngành nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cây quế của huyện đạt từ 900-1.000 ha; đến năm 2030 hình thành vùng trồng cây quế nguyên liệu ổn định 2.500 ha. Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây quế trên địa bàn huyện. Tổng nhu cầu vốn đầu tư của dự án hơn 145 tỷ đồng.

Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông thông tin, từ khi triển khai đến nay, huyện phối hợp với Công ty chuyên về sản xuất và xuất khẩu quế tổ chức các cuộc hội thảo cấp xã tại các địa phương để tuyên truyền cho người dân biết và đăng ký trồng quế.

Hình thành vùng trồng quế nguyên liệu, sinh kế mới của người dân miền núi- Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Nam Đông trao đổi tại buổi làm việc về tình hình thực hiện đề án trồng cây quế trên địa bàn.

Các phòng ban cũng phối hợp với UBND các xã triển khai đề án thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức hướng dẫn cho cán bộ cấp xã về trình tự, thủ tục và chính sách hỗ trợ để triển khai cho người dân thực hiện. Đến nay, có 9 xã đăng ký với gần 128ha, hơn 564 nghìn cây giống.

Tại buổi làm việc về tình hình thực hiện đề án trồng cây quế mới đây, bà Trần Thị Hoài Trâm – Bí thư Huyện uỷ Nam Đông cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp, triển khai quyết liệt hơn nữa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú và phù hợp, làm thế nào để người dân hiểu được chủ trương, chính sách, cơ chế hưởng lợi của đề án, những giá trị cây quế mang lại.

Ngoài ra, cần rà soát, nắm lại diện tích đất phù hợp để trồng quế. Hướng dẫn lại quy trình kỹ thuật từ khi bắt đầu đến kết thúc cho nhân dân, giám sát chặt chất lượng cây giống. Các địa phương thành lập, các tổ để hỗ trợ để giúp người dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719Trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

SKĐS - Việc triển khai dự án trồng cây dược liệu tại huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn