Hà Nội

Hình thái thời tiết mưa cấp tập vào chiều tối còn diễn ra nhiều ngày tới ở miền Bắc

22-06-2023 10:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Diễn biến có mưa cấp tập (dông nhiệt) vào chiều tối sẽ còn xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Dông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra và xuất hiện đột ngột.

Miền Bắc sẽ mưa dông dài ngày sau đợt nắng nóng gay gắtMiền Bắc sẽ mưa dông dài ngày sau đợt nắng nóng gay gắt

SKĐS - Hôm nay, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt. Từ ngày 4/6 nắng nóng ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có xu hướng dịu dần.

Mưa trong thời gian ngắn nhưng lượng mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (21/6), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 38.6 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 39.2 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 38.7 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 38.1 độ,... Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-65%.

Ngày 22/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%. Từ ngày 23/6 nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-60%. Từ ngày 24/6 nắng nóng ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có xu hướng giảm dần.

Hình thái thời tiết mưa cấp tập vào chiều tối còn diễn ra nhiều ngày tới ở miền Bắc - Ảnh 2.

Hình thái thời tiết mưa lớn cục bộ chiều tối còn diễn ra ở Hà Nội vài ngày tới.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trong những ngày nắng nóng, vào chiều tối ở Bắc Bộ và vùng núi khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Diễn biến có mưa cấp tập (dông nhiệt) vào chiều tối sẽ còn xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Dông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, thường xuất hiện đột ngột vào buổi chiều tối trong các tháng 4-10 hàng năm. Hình thành trong thời gian rất ngắn, gây mưa với cường độ lớn kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, sấm sét dữ dội, mưa đá, vòi rồng.

Chỉ dự báo được trước 30-45 phút

Theo các chuyên gia khí tượng, vào thời điểm mùa hè, dông nhiệt thường xuất hiện vào buổi chiều tối, sau một ngày nắng nóng. Dông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, xuất hiện thời gian ngắn nhưng thường kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng. Các hiện tượng này rất nguy hiểm, nhất là với những người đang ở ngoài đường trong thời gian này. Điều nguy hiểm hơn là các cơn dông nhiệt không thể dự báo sớm. Nếu như các đợt mưa lớn do rãnh áp thấp, vùng hội gió trên cao có thể dự báo trước vài ngày thì dông nhiệt chỉ có thể dự báo trước từ 30-45 phút.

Công nghệ hiện nay với các thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được dông nhiệt nhưng do đây là nhiễu động nhỏ, hiện tượng này xảy ra quá nhanh nên chỉ có thể cảnh báo cực ngắn.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong mùa hè, khoảng sau 15h, nhiệt độ cao đốt nóng bề mặt, độ ẩm lớn khiến không khí ẩm. Luồng không khí này di chuyển đi lên, tạo ra các đám mây dông. Thời điểm này ở miền Bắc, những đám mây dông được hình thành ở khu vực tỉnh Hoà Bình, rồi theo gió tây nam phát triển dần lên khu vực Hà Nội gây mưa lớn. Đây là hiện tượng thời tiết bình thường đã được dự báo từ những ngày trước.

Trong cơn dông thường xuất hiện sấm, chớp và mưa lớn. Hiểu đơn giản là khi xuất hiện các cơn dông cần có vùng mây đối lưu, không khí ở tầng thấp chuyển động rất nhanh lên tầng cao. Do vậy, tầng thấp thiếu hụt nên không khí ở xung quanh phải di chuyển vào để bù đắp. Những luồng không khí đó chính là gió. Vào tức thời 1-2 phút, dòng đối lưu đi lên mạnh gây gió giật.

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, có nhiều dấu hiệu mà mắt thường cũng có thể nhận biết được. Bầu trời xuất hiện những đám mây đen, trời tự nhiên tối sầm. Trước cơn dông, gió thường lặng và có những luồng gió mát do mưa ở khu vực lân cận.  Có 2 yếu tố gây nguy hiểm nhất là sét và gió giật mạnh. Bởi sét có thể đánh chết người, gió giật gây tốc mái, cây đổ.  Cách tốt nhất là người dân cần tìm nơi trú tránh an toàn, kiên cố, hạn chế tham gia giao thông để tránh sét đánh và gió giật mạnh trong cơn dông.

Chuyên gia nêu lý do vì sao mưa dông kéo dài mà hồ thủy điện vẫn cạn trơ đáyChuyên gia nêu lý do vì sao mưa dông kéo dài mà hồ thủy điện vẫn cạn trơ đáy

SKĐS - Dù có mưa dông diện rộng kéo dài nhiều ngày thì lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện cũng không đáng kể, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất điện, lượng nước vẫn thiếu hụt nghiêm trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Miền Bắc Chuẩn Bị Có Đợt Mưa Lớn Đến 200mm Từ 23/6, Chấm Dứt Nắng Nóng Kéo Dài | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn