Các nhà nghiên cứu mới đây của Đại học Illinois Hoa Kỳ cho biết, hình dạng của khối u có thể đóng vai trò lớn trong việc làm lây lan tế bào ung thư (di căn)...
Từ phát hiện mới
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trường đại học Illinois cho biết, chỉ cần một vài tế bào trong khối u nhưng chúng có thể tự tách rời và lan sang các bộ phận khác của cơ thể và các đường cong dọc theo các cạnh của nó có thể đóng một vai trò lớn trong việc kích hoạt các tế bào gốc của khối u.
Nghiên cứu về ung thư da các nhà khoa học đã sử dụng những môi trường nuôi cấy mô với nhiều dạng và mô hình khác nhau phát hiện ra rằng khối u nào càng cong, các tế bào ung thư ở cạnh của nó hiển thị các dấu hiệu về đặc điểm tế bào gốc càng nhiều thì nó càng có khả năng dễ dàng di căn tới các tế bào khác. Điều này bổ sung thêm sự hiểu biết của chúng ta về ung thư cũng như xây dựng các kế hoạch điều trị cá nhân hóa.
Các tế bào ung thư trong lòng mạch máu.
Nghiên cứu này do Kristopher Kilian - một giáo sư về khoa học và kỹ thuật vật liệu và Timothy Fan - một giáo sư thú y dẫn đầu đã được công bố trên tạp chí Nature Materials.
GS. Killian cho biết, giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư là di căn. Một số tế bào mà chúng ta gọi là các tế bào gốc ung thư có thể đi vào dòng máu rồi đi đến các mô khác và hình thành các khối u mới. Điều này dẫn đến sự tái phát khối u. Do các tế bào gốc ung thư đề kháng với các loại thuốc hóa trị nên chúng ta phải tìm kiếm các tế bào gốc này và nghiên cứu chúng để phát triển các loại thuốc nhắm trúng đích.
Nhóm của Kilian chuyên về kỹ thuật nuôi cấy mô đã tạo ra các mô hình của khối u, để nghiên cứu chính xác hơn quá trình phát triển của tế bào ung thư trong môi trường thạch đĩa. Các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy các mẫu ung thư da chuột trên môi trường 2-D và 3-D với các hình dạng và mẫu khác nhau để xem liệu hình dạng khối u có góp phần kích hoạt các tế bào gốc ung thư và để xem nơi nào trong khối u tế bào gốc xuất hiện.
Họ phát hiện ra rằng, các tế bào gốc ung thư dường như xuất hiện nhiều nhất dọc theo các cạnh của môi trường nuôi cấy, đặc biệt là nơi có những góc và đường cong lồi.
“Tế bào gốc bình thường thường thấy ở những vị trí mềm, ướt và ở gần trung tâm nên đối với bệnh ung thư, tế bào gốc ung thư cũng sẽ ở giữa của khối u. Thế nhưng khi bị cưỡng ép phát triển (khi khối u phát triển giữa các mô khỏe mạnh) các tế bào gốc ung thư kích hoạt tại chu vi của nó”, Kilian nói.
Các nhà nghiên cứu đã làm một số xét nghiệm khác để xác nhận khả năng lan rộng của khối u chẳng hạn như phân tích di truyền và kiểm tra những dòng ung thư khác (ung thư cổ tử cung, ung thư phổi và tuyến tiền liệt) và thấy rằng chúng phản ứng theo cùng một cách.
Đến ứng dụng thực tế
Kilian hy vọng rằng, kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cách mới để tìm và nuôi dưỡng các tế bào gốc ung thư, điều khó mà đạt được với các điều kiện nuôi cấy thông thường. Ngoài ra, ông cũng lưu ý phương pháp nuôi cấy mới này tới với việc phát triển các ứng dụng điều trị cá nhân hóa.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, khi một bệnh nhân có một khối u đặc biệt, có thể phát triển nó trên đĩa nuôi cấy, rồi sử dụng các tế bào của chính bệnh nhân để thử nghiệm điều trị thuốc. Việc lấy tế bào của bệnh nhân đi nuôi cấy để tạo thành các khối u nhỏ rồi sàng lọc điều trị bằng tất cả các loại thuốc có sẵn. Sau đó, bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ chỉ định điều trị cho các bệnh nhân nhắm mục tiêu tới các tế bào khối u và các tế bào gốc của nó.
Hiện còn rất nhiều việc phải làm, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện được cơ chế của sự lan rộng bệnh. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu biết về sự tiến triển và lan rộng của ung thư và mở ra một con đường mới nghiên cứu để phát triển thuốc, phẫu thuật có chỉ đường.
Ung thư là một bệnh rất phức tạp. Hiểu rõ cơ chế bệnh chính là chìa khóa của việc chữa trị. Và việc phát triển môi trường nuôi cấy để cho chúng ta hiểu hơn về cơ chế của bệnh là một bước vô cùng quan trọng để đạt được mục đích đó.
(Theo sciencedaily, 4/2016)