Hà Nội

Hình bóng mẹ cha trong mắt tân hoa hậu

20-02-2015 17:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong mắt Kỳ Duyên, bố cô là một người đàn ông điềm tĩnh, sâu sắc. Còn mẹ cô là người khá nóng tính, có phần lạnh lùng, nhưng trong sâu thẳm nội tâm là tình yêu thương chồng con vô bờ bến…

Kỳ Duyên cho biết, vì là con gái út nên bố có phần cưng chiều mình hơn anh trai, nhưng không vì thế mà bố cô không nghiêm khắc, nhất là với việc học. Kể từ khi đăng quang Hoa hậu đến nay, Kỳ Duyên có rất nhiều lời mời dự sự kiện, tham gia hoạt động cộng đồng, quay quảng cáo... nhưng cô chưa bao giờ bỏ một tiết học nào bởi bố yêu cầu việc học phải đặt lên hàng đầu.

“Tôi có được ngày hôm nay, nhất là việc thi đỗ vào Đại học Ngoại Thương, công sức không chỉ của tôi mà của cả gia đình, trong đó bố góp công lớn nhất. Bố thức với tôi trong những đêm luyện thi, chăm từng miếng ăn thức uống, khuyên bảo và tiếp thêm cho tôi động lực. Trong mọi việc, bố là người rất nhiệt tình, nên khi tiếp xúc với ai bố cũng luôn được mọi người yêu quí. Tôi học được từ bố cách đối nhân xử thế với mọi người, đó là lối sống chân thành, yêu thương”, Kỳ Duyên chia sẻ.

Trái ngược với bố, theo Kỳ Duyên, mẹ cô lại là một người khá nóng tính. Bên ngoài, đôi khi bà hơi lạnh lùng, hiếm khi nói những lời ngọt ngào yêu thương với con gái nhưng trong lòng lại ngập tràn yêu thương. Vì lo lắng cho con gái nên bà đã bỏ hết công việc kinh doanh để theo con từ những ngày đầu bước chân lên Hà Nội. Chính bà là người đã chủ động nộp hồ sơ cho Kỳ Duyên dự thi Hoa hậu Việt Nam 2014, tất bật ngược xuôi tìm thầy dạy giúp con lấy lại phom dáng, có thêm những kỹ năng mềm khi tham gia đấu trường nhan sắc. Trong suốt các vòng thi bà không chỉ chăm sóc con, mà còn kiêm luôn cả việc trang điểm, tạo kiểu tóc, chuẩn bị trang phục cho con.

“Ở mẹ có một tình yêu thương con cái vô bờ bến mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được hết, bởi mẹ toàn thể hiện một cách thầm lặng. Tôi khâm phục nhất ở mẹ chính là đức hy sinh vì chồng con. Ngoài ra, mẹ là người sống rất có bản lĩnh”, Kỳ Duyên nói.

Hoa hậu Kỳ Duyên. Ảnh: Tuấn L’amamt

Đề cập đến anh trai, Kỳ Duyên nở nụ cười đầy ngạc nhiên. Với cô, anh trai là một “góc kín” mà cô chưa bao giờ tâm sự với ai. Trong mắt cô, anh trai là một người khá nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý, chiều em gái. Đợt Kỳ Duyên thi vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, anh trai đã bỏ việc trong TP Hồ Chí Minh về kèm em học. “Tôi đỗ được vào ngôi trường danh tiếng của Nam Định là nhờ vào công sức kèm cặp của anh trai”, Kỳ Duyên kể.

Khi được hỏi về sự giống nhau giữa hai anh em, Kỳ Duyên suy nghĩ khá lâu bởi dường như giữa hai anh em cô có quá nhiều khác biệt. Chẳng hạn, Kỳ Duyên hay nhõng nhẽo, mít ướt, lê la... thì anh trai lại là người rất chững chạc, bản lĩnh, nghiêm túc. Anh trai Kỳ Duyên nấu ăn rất ngon và thường xuyên nấu cho em gái những món cô yêu thích mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Cả hai anh em chỉ có điểm chung duy nhất đó là rất thích xem phim, đọc truyện và thỉnh thoảng vào bếp.

“Anh trai tôi sinh năm 1987 nhưng lại rất chững chạc, trước anh từng theo học tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ra trường anh ở lại TP Hồ Chí Minh làm được 2 năm, khi đang làm thì tôi thi vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, thế là anh bỏ việc về kèm cặp tôi học. Tôi còn nhớ, hồi đó anh trai rất hay nổi nóng, cứ mắng tôi không ngớt, mỗi khi tôi giải sai bài thì chỉ có “chết”. Nhưng thực ra anh nghiêm khắc là bởi muốn tôi tiến bộ chứ không phải vì ác nên tôi lại càng yêu quý anh hơn”, Kỳ Duyên tiết lộ.

Trải qua một năm thành công nhưng cũng đầy áp lực, Kỳ Duyên mong được đến Tết để xả áp lực. “Tết là biểu tượng của sự đủ đầy, ấm áp, vui tươi, lúc nào tôi cũng háo hức. Tết còn là dịp để được ngủ vùi trong chiếc chăn bông ấm áp, cơ hội để được làm nũng bố mẹ, đòi anh trai lì xì...”, Kỳ duyên kể.

 

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 26, 27 Tết, gia đình Kỳ Duyên đã tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, mua sắm Tết. Sáng 30, cả nhà sẽ làm mâm cơm Tất niên cúng gia tiên, sau đó quây quần bên nhau kể những câu chuyện vui. Buổi chiều, cả gia đình sẽ cùng nhau đi lễ chùa, đến tối về nhà chuẩn bị mâm cỗ cúng Giao thừa. Thường vào thời khắc Giao thừa, Kỳ Duyên và anh trai hay lên sân thượng ngắm pháo hoa, sau đó nhận lì xì từ bố mẹ. Sáng mồng 1 Tết, theo truyền thống của gia đình, cả nhà sẽ dậy sớm để sang nhà bác cả thắp hương cho ông bà tổ tiên rồi đi chùa cầu bình an cho năm mới.

Tết này, Kỳ Duyên chưa có kế hoạch gì bởi giờ đây cô đã không còn là cô bé Kỳ Duyên ngày nào. Tuy nhiên, điều mà cô không thể bỏ được dù bận đến mấy, đó là sẽ cùng bạn bè đến thăm những thầy cô giáo cũ, những người đã dạy cô trong suốt 3 cấp học. Ngoài ra, một người thầy mà Kỳ Duyên xem như người ông mình, đó là ông giáo Trần Văn Nghĩa, người đã dạy Kỳ Duyên tiếng Pháp từ thời tiểu học... Nhiều năm qua, Tết nào cô cũng đến mừng tuổi ông.

Càng nhắc đến Tết, Kỳ Duyên lại dấy lên bao xúc cảm. Trong ký ức trong trẻo của cô gái tuổi 18, những ký ức ấu thơ luôn chắp thêm cho động lực để cô vươn lên và sống có ý nghĩa.

Khánh Toàn

 

 

 


Ý kiến của bạn