Hình ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động chuyển giao Su-35 từ Nga sang Algeria

10-04-2025 14:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 8/4, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) xác nhận, Algeria đã bắt đầu vận hành dòng tiêm kích Su-35 do Nga sản xuất.

Những hình ảnh vệ tinh chụp hôm 10/3, cho thấy một chiếc Su-35 mang biểu tượng không quân Algeria đã xuất hiện tại căn cứ không quân Ain Beida (tỉnh Oum el Bouaghi), vùng đông bắc nước này.

Hình ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động chuyển giao Su-35 từ Nga sang Algeria- Ảnh 1.

Một chiếc Su-35 được đưa lên máy bay vận tải An-124. (Nguồn: IISS)

Trước đó, vào ngày 2/3, hình ảnh từ nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk-on-Amur (Nga) cho thấy một chiếc máy bay vận tải hạng nặng An-124 của không quân Nga đang bốc dỡ phần thân của một chiếc Su-35. Đáng chú ý, chiếc tiêm kích này mang lớp sơn dành riêng cho đơn đặt hàng của Ai Cập.

Máy bay vận tải An-124 sau đó được phát hiện tại căn cứ Ain Beida vào ngày 5/3. Những hình ảnh tiếp theo cho thấy ít nhất 4 chiếc Su-35 khác, vốn được sản xuất cho Ai Cập, đã được sơn lại biểu tượng của Algeria.

Các tiêm kích này vốn được chế tạo tại nhà máy Yuri Gagarin theo hợp đồng ký kết giữa Nga và Ai Cập vào năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2019, Mỹ đã cảnh báo rằng thỏa thuận này có thể dẫn tới lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA (Luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt).

Dù vậy, quá trình sản xuất vẫn được tiếp tục đến năm 2021, với ít nhất 12 chiếc được ghi nhận tại nhà máy, nhưng không có chiếc nào được bàn giao cho Cairo. Theo giới quan sát, Ai Cập đã buộc phải hủy bỏ hợp đồng do áp lực chính trị và kinh tế.

Sau đó, có thông tin những chiếc Su-35 có thể được chuyển cho Iran. Song, kế hoạch này không thành hiện thực do Tehran ưu tiên đầu tư vào hệ thống phòng không. Đến tháng 1, Iran mới chính thức xác nhận việc mua Su-35 để thay thế các tiêm kích cũ như F-14 và F-4.

Tại Algeria, thương vụ Su-35 chưa được công bố chính thức. Bộ Quốc phòng nước này cũng như tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga đều giữ im lặng. Dù vậy, loạt hình ảnh vệ tinh và báo cáo độc lập cho thấy Su-35 đã bắt đầu được vận hành từ căn cứ Ain Beida.

Các báo cáo ngày 13 và 14/3 ghi nhận, không quân Algeria đã tiến hành bay thử nghiệm với Su-35. Một số nhà phân tích ước đoán nước này có thể đã tiếp nhận khoảng 14 trong tổng số 28 chiếc từng được sản xuất cho Ai Cập.

Hình ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động chuyển giao Su-35 từ Nga sang Algeria- Ảnh 2.

Không giống như Su-30MKA và Su-37, Su-35 Flanker-E không có cánh phụ và chỉ dựa vào lực đẩy vector để có khả năng cơ động. (Nguồn: Vitaly Kuzmin)

Một số nguồn tin cho rằng Algeria có thể đang tạm thời thuê Su-35 trong lúc chờ đợi nhận tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, thương vụ đã được truyền thông nhà nước xác nhận vào tháng 2.

Không quân nước này hiện vận hành hơn 70 tiêm kích Su-30MKA, phiên bản cải tiến từ Su-30MKI, dựa trên khung máy bay Su-27, trang bị radar N011M và động cơ điều hướng lực đẩy AL-31FP. Su-30MKA có khả năng mang tải trọng vũ khí 8.000 kg, đạt tốc độ tối đa Mach 2, bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km và đã phục vụ từ năm 2006 trong nhiệm vụ tấn công và trinh sát.

Su-35 là phiên bản hiện đại hóa từ dự án Su-27M, được nâng cấp mạnh về động cơ, radar và hệ thống điện tử hàng không. Khác với Su-30MKA có cánh phụ (canard), Su-35 loại bỏ thiết kế này và tận dụng hệ thống điều hướng lực đẩy để tăng cường khả năng cơ động.

Máy bay được trang bị hai động cơ AL-41F-1S, đạt tốc độ tối đa Mach 2,25, tầm bay 3.600 km và có thể chịu gia tốc tới 9g. Radar Irbis-E trên Su-35 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách trên 350 km, trong khi một số phiên bản còn tích hợp radar AESA phụ tại gốc cánh. Buồng lái hiện đại sử dụng màn hình kỹ thuật số, thân máy bay làm từ vật liệu composite nhẹ và gia cố để tăng độ bền.

Về hỏa lực, Su-35 sở hữu 14 giá treo vũ khí, có thể mang hơn 8.000 kg khí tài, bao gồm pháo 30mm GSh-30-1, tên lửa không đối không tầm xa R-37M, tầm trung R-77-1, tầm gần R-73, tên lửa hành trình Kh-31, Kh-59 và bom dẫn đường KAB-500/KAB-1500. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử, cho phép thực hiện nhiều loại nhiệm vụ như đánh chặn, chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra thận trọng, cho rằng việc đưa Su-35 vào vận hành bên cạnh Su-30MKA có thể làm phức tạp công tác hậu cần và bảo dưỡng, trừ khi Su-35 mang lại ưu thế vượt trội.

Lý do Nga tiếp tục mở rộng sản xuất tiêm kích Su-35Lý do Nga tiếp tục mở rộng sản xuất tiêm kích Su-35

SKĐS - Tuần trước, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã tiếp nhận lô tiêm kích Su-35S đầu tiên trong năm 2025. Ngay sau đó, Tổng giám đốc điều hành của United Aircraft Corporation (UAC - thuộc tập đoàn Rostec) đã tuyên bố về kế hoạch mở rộng sản xuất loại tiêm kích này.


Xuân Minh
(Theo Army Recognition, TWZ)
Ý kiến của bạn