Cả thế giới đang dõi theo những thông tin trên biển Đông. Sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tiếp tục bị báo chí, chính khách, học giả thế giới lên án mạnh mẽ.
Phóng viên hãng tin Mỹ AP, trên tàu 4033 của Cảnh sát biển Việt Nam đã viết rằng, ngày nào cũng thế, tàu Việt Nam cũng đều tìm cách tiến lại gần giàn khoan hơn. Phía Việt Nam đều tung ra thông điệp bằng ba thứ tiếng: Việt, Hoa và Anh, nội dung cảnh cáo phía Trung Quốc về các hành động khiêu khích và yêu cầu đối phương tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, lập tức đình chỉ các hoạt động và rời khỏi vùng biển Việt Nam. Một nhiếp ảnh gia AFP tại hiện trường cũng viết rằng, thấy hàng chục chiếc tàu Trung Quốc, trong đó có cả chiến hạm của Hải quân Trung Quốc, đối mặt với tàu chấp pháp Việt Nam. Mỗi khi tàu Trung Quốc đến gần, các tàu Việt Nam đều phát đi thông điệp cảnh cáo Trung Quốc là đang ở trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và Luật Biển của Việt Nam. Hoạt động của lực lượng tuần duyên Việt Nam tại khu vực này rất nguy hiểm vì bị tàu Trung Quốc cố tình đâm thẳng vào hay phun vòi rồng cực mạnh để xua đuổi.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
Theo nhận định của Le Figaro: Trung Quốc có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Thế nhưng, khi Trung Quốc có ý đồ dùng vũ lực với Việt Nam thì cũng cần nhớ lại kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, khi đó Bắc Kinh muốn cho Việt Nam một bài học nhưng cuối cùng lại thất bại. Trong lịch sử cả Pháp, Mỹ cũng đã không lay chuyển được ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Còn The Sydney Morning Herald của Australia đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực”, trong đó nhận định, Bắc Kinh biết rõ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang 981) là hành động khiêu khích. Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đồng thời điều động máy bay cùng 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, tới khu vực đặt giàn khoan trị giá 1 tỷ USD. Tờ báo chỉ trích các hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên biển Đông”.
Bà Elizabeth Economy và ông Michael Lev, hai nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ đối ngoại của Mỹ, cho rằng, Hoa Kỳ và các nước ASEAN nên hợp lực thành một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chặn việc Bắc Kinh đơn phương xâm phạm chủ quyền tại châu Á. Hai nhà nghiên cứu này đề nghị rằng, Hoa Kỳ nên chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân. Việc tăng cường lực lượng hải quân Mỹ trong vùng biển Đông, theo hai chuyên gia này sẽ “cung cấp cho Washington thêm cơ hội để đánh giá thực lực của Trung Quốc và góp phần giúp cho căng thẳng xuống thang”. Bà Economy và ông Lev còn đề xuất một biện pháp khác, trực tiếp hơn: Đó là hạn chế các hoạt động tại Mỹ của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC, một tập đoàn Nhà nước và là chủ sở hữu của giàn khoan Hải Dương - 981 đang là nguyên nhân làm mất ổn định tại biển Đông. Nếu lời nói không đi đôi với hành động, uy tín của Hoa Kỳ trong việc cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực sẽ bị sứt mẻ.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là “khiêu khích, bất hợp pháp” và làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc”. Giáo sư Thayer cho rằng hành động của Trung Quốc nhiều khả năng khiến các quốc gia Đông Nam Á thêm lo lắng về vấn đề chủ quyền. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hàng hải của mình, đồng thời tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc biển khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Theo giáo sư Thayer, Trung Quốc có thể dọa dẫm Việt Nam, song sẽ hứng chịu tổn hại về mặt ngoại giao.
Không chỉ báo chí, các quan chức Hoa Kỳ tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Khi tiếp Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng đã tuyên bố rằng, hành vi của Bắc Kinh là nguy hiểm và mang tính gây hấn, cần phải chấm dứt.
Như vậy, rõ ràng một việc làm sai trái đương nhiên sẽ bị cả thế giới lên án và xa lánh. Hình ảnh của Trung Quốc trở nên xấu xí trong con mắt quốc tế, đây là tổn thất không nhỏ ban đầu trong việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Quỳnh Diệp
- Vụ giàn khoan HD981:Không dễ dàng…bẻ một bó đũa
- Dư luận thế giới về vụ dàn khoan HD981
- Hai “quả đấm thép” của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận giàn khoan 981
- Giàn khoan 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa?
- Triệu hồi Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan 981
- Nỗi tủi hổ của giàn khoan HD 981
- Cận cảnh tàu tuần tra lớn nhất Việt Nam điều ra giàn khoan
- Đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan HD 981
- Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
- Hai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981
- Trung Quốc tăng phạm vi cấm quanh vị trí đặt giàn khoan 981
- Trung Quốc "cảnh báo" bình luận của Mỹ về biển Đông
- Chào cờ xếp hình Tổ quốc hướng về Biển Đông
- Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông
- "Biển Đông căng thẳng, ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung"
- Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại tình hình ở Biển Đông
- "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”
- Nga tuyên bố không khoan dầu cùng Trung Quốc
- Cư dân mạng Trung Quốc phê phán cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh
- Người tiêu dùng và tiểu thương tẩy chay, ngừng bán hàng Trung Quốc
- Lộ diện nhóm hacker Trung Quốc
- Người lao động Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc