Làm thơ để thư giãn tâm hồn, làm kinh doanh để ổn định kinh tế và cũng để trở về với nàng thơ – mối tình không thể dứt ra được, người đó là nhà thơ, nhà doanh nghiệp Ngọc Khương.
Làm kinh tế
Rời làng quê Quảng Bình, Ngọc Khương dấn thân bằng cuộc “hành phương Nam” dừng chân tại đất Sài Gòn. bao năm vật lộn cùng với thời cuộc đất nước, anh có tí vốn quyết định mở nhà hàng Hương Nguồn cũng là để đeo đuổi thơ bằng cách thành lập CLB nhạc Hương Nguồn và đứng làm “chủ xị” kiêm MC. Anh cũng là người đầu tiên tạo dấu ấn với hình thức hát với nhau. Trong kinh doanh, Ngọc Khương quan niệm chữ “tín” chính là bí quyết thành công: “Công trình sụp đổ đá trơ/Công danh sụp đổ bạc phơ mái đầu/ Tình yêu sụp đổ ngộp sầu/Niềm tin sụp đổ/Tìm đâu ra mình”.
Vậy đâu là một nhà thơ và một doanh nghiệp thành đạt để nhiều thi hữu yêu mến anh, trong đó có tôi? Đó là cái tâm mà anh dành nhiều chất men cho thơ thăng hoa để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh. Ngoài CLB thơ nhạc, anh đã thành lập Nhạc quán trẻ rồi mở Nhà hàng tiệc cưới, hỗ trợ cho thanh niên nghèo (158 Bàu Cát 3, P.12, Q. Tân Bình và chi nhánh tại Vĩnh Lộc, Q. Bình Tân), tất cả đều đứng tên Hương Nguồn. Tuổi thơ nghèo khó, thành đạt giữa đất Sài Gòn nhưng với Ngọc Khương, hạnh phúc nhất là con cái đều ngoan và thành danh. Những đêm buồn nhớ quê, anh đã cất lời ca tiếng hát với Câu hò bên bến Hiền Lương, Quảng Bình quê ta ơi... rồi anh ngâm thơ chính nơi anh ở với bao biến thiên thời sự qua bài thơ Mua nhà cho con rồi Niềm đất: “Đất lành đeo cổ “án treo”/Bao năm cỏ lấn, kiếp nghèo đè lên/ Tiếng gì như tiếng đất rên/Mồ cha đổ, nhà mẹ yên được nào?/Sớm khuya nghe ruột đất cào/Máu xương ai đã lặn vào bùn đen/ Bao đời dành dụm tổ tiên/Ai tham nén bạc mà quên đất vàng!/Đất đau, đau đến xâm xoàng/Ngỡ như ngọn gió đâm ngang sườn người/Bao giờ thắm lại đất ơi/Cho con cò đậu giữa nơi đất lành!” (Dự án treo Vĩnh Lộc, 9/2009).
Tình cảm với quê hương
Ngọc Khương tâm sự: “Quê hương Quảng Bình đối với tôi vừa gần gũi thân thương, vừa thiêng liêng máu thịt. Nó rạo rực bâng khuâng, có khi đau đáu, có khi dịu ngọt, có lúc trào dâng, có lúc đọng lắng. Nó níu kéo, giằng xé, mơn man xõa vỗ hồn tôi như môi sóng hôn bờ: “Tôi đi xa mang theo cả quê hương/Đêm trăn trở nghe trăng vàng quẩy sóng/Những đôi mắt bồ câu tròn xoe, mơ mộng/Và tiếng gõ chài khắc khoải gõ mòn tôi!”. Quảng Bình là nguồn cảm hứng thi ca vô tận, là hồn thơ chiếm ngự tim tôi, bởi vậy, tôi đã viết yêu quý này.
Nhân dịp về thăm quê, tôi chọn 40 bài thơ (trong số gần 100 bài) đã viết về Quảng Bình, in thành tập Trăng Nhật Lệ làm món quà nhỏ kính dâng quê hương yêu dấu”. Sinh năm 1949 và lớn lên trong một gia đình trung nông lương thiện giữa vùng đất hiền hòa bên dòng Sông Gianh thơ mộng, anh sống xa cha mẹ lúc 2 tuổi, ở với bà nội. Quê hương Quảng Bình là dấu ấn ám ảnh suốt đời thơ của anh: “... Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/Da cháy rần trong nắng quái miền Trung...” (Ký ức làng tôi). Có những câu thơ lục bát rất bình dân, mộc mạc, đơn giản nhưng đủ sức gợi trong lòng mỗi người bao ký ức như “Về quê đụng phải dàn bầu/Trái treo lư lửng, mắt hau háu nhìn/Ngỡ là ngú ngớ, không tin? Hóa ra còn một chút mình ngày xưa” (Trái bầu quê tôi). Ngoài Quảng Bình ra, anh còn viết về Huế, về miền Tây: “Ta về chạm gió miệt vườn/Thơm môi trái chín, chạm hương tóc mềm/Ta về chạm bóng trăng huyền/Trượt chân “cầu khỉ” bắt đền… miền Tây”.
Nhà thơ Trần Nhật Thu - đồng hương của anh đã viết: “Trương Nam Hương mới ngoài hai mươi tuổi đã hát lên khúc hát người xa xứ đau đớn của mình thì anh Ngọc Khương cận kề tuổi năm mươi, sau bao thăng trầm khổ lụy đã nhớ nhung, hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, quê cha đất tổ với tấm lòng sâu nặng, chan chứa ân tình... Phần thơ hay nhất của Ngọc Khương là mảng thơ viết về Quảng Bình... Ai cũng có một nơi chốn để đi về, để gửi gắm lòng mình, tâm hồn mình. Hãy viết những gì trung thực nhất, những gì hằn sâu trong tâm khảm của mình, không vay mượn thì mới mong giữ được một chút gì trong đời thơ vốn đa đoan và bạc bẽo.
Tôi chỉ mong sao hồn quê sẽ là sợi dây bền chặt nối Ngọc Khương với đời, với thơ như anh đã từng viết một cách quả quyết: “Nghe như tiếng nội à ơi/Từ trong ruột đất, xé trời bươn lên…”.
Ngọc Khương với nàng thơ và bà nội
Bẵng đi một thời gian dài, những tưởng anh mải lo cơm áo gạo tiền mà nàng thơ. Nhưng 12 năm sau, anh trở với thi đàn cùng 3 tập Võng tình, Trăng Lệ và Cây đổi gồm 142 bài thơ ấn tượng, Ngọc Khương vẫn vậy, đạo mạo trong vai doanh nhân, nghệ sĩ và mô phạm trong thơ. Thế mạnh của anh vẫn là thể thơ lục bát.
Theo tác giả, tập thơ Cây đổi màu là những trăn trở đất đai, thời cuộc, số những day dứt về tình đớn, hạnh phúc trong tình bạn, tình yêu... Tập Võng tình gồm 40 bài thơ lục bát trong sáng, giản dị, chân tình viết về quê hương đất nước, nỗi đau nhân thế, nỗi buồn thân phận và niềm vui, ước vọng cuộc đời. Còn tập Trăng Nhật Lệ viết về cố hương Quảng Bình yêu dấu, dải đất “nghẹn thắt miền Trung, đang hồi sinh từ điêu tàn đổ nát”, viết về những người thân, những địa danh với bao kỷ niệm một thời trai trẻ: “Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa”.
Ngoài quê hương Quảng Bình là chất liệu thứ nhất cho thơ, chất liệu thứ hai là hình ảnh bà nội - người mà anh dùng nhiều bài thơ cũng chưa thể trả ơn hết. Hình ảnh bà kính yêu đầy trìu mến ấy đã hun đúc hồn thơ anh bằng khắc họa Bà nội thật xúc động: “Bao năm nuôi cháu mồ côi/ Lời ru nội buốt vành nuôi cháu nằm/Trên đầu nội mấy vòng tang/Nỗi nhà, nỗi nước thắt ngang cuộc đời/Con đi góc biển, chân trời/Trong tim không cạn những lời nội ru...”. Hai câu thơ cuối, Ngọc Khương đã dùng làm đề từ trong tập Hồn quê (gồm 48 bài, NXB Văn học 2000), anh đã có “ảnh hưởng” hai câu thơ Nguyễn Duy: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Ấy cũng là điều dễ hiểu khi những nhà thơ đụng đến thể lục bát. Anh lại ca ngợi nội bằng hai câu thơ rất đắt: “Nghe như tiếng nội à ơi/Từ trong ruột đất, xé trời bươn lên”.
“Dấu ấn không phai nhạt trong đời thơ Ngọc Khương có lẽ là hình bóng bà nội của anh, người đã nuôi dưỡng anh từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Bởi từ nhỏ, anh phải sớm xa cha, xa mẹ. Bà là cái nôi, là bóng mát che chở cuộc đời anh - nuôi dưỡng hồn thơ anh. Bà cũng là chỗ dựa duy nhất để anh vượt qua những chặng đường gieo neo vất vả của mình... Ngọc Khương có những câu thơ rất hay và cảm động khi viết về bà nội của mình”, cố nhà thơ Trần Nhật Thu nhận định.
Xin chúc mừng anh, người con Quảng Bình chịu thương, chịu khó, từng dạy học, viết báo, làm thơ cho đến kinh doanh, tuy trong anh tưởng cầu kỳ nhưng rất dễ hiểu và dễ cảm như thơ anh đã ngộ: “Ta thèm một tiếng ầu ơ/Vọng từ cánh võng đong đưa vọng về” (Ta thèm).
NGUYỄN TÝ