Hình ảnh người lính trong điện ảnh

21-12-2015 14:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể nói, hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, đề tài, chất liệu sáng tác cho nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó không thể thiếu điện ảnh.

Có thể nói, hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, đề tài, chất liệu sáng tác cho nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó không thể thiếu điện ảnh. Và thực tế cho thấy, nhiều năm qua, khán giả nước nhà đã được thưởng thức không ít tác phẩm điện ảnh xuất sắc, khắc họa rõ nét phẩm chất cao quý của người lính trong chiến tranh cũng như thời bình.

Không ít lần, khán giả Việt đã được xem bộ phim về đề tài chiến tranh và tác phẩm điện ảnh này tái hiện một cách chân thực nhất về những người lính quân bưu Việt Nam trong thời chiến; đó là phim Đường thư. Xem Đường thư, khán giả có lúc rơi nước mắt trước công việc thầm lặng nhưng vô cùng gian nan, nguy hiểm của người lính quân bưu thời bom rơi đạn lạc. Bộ phim Đường thư lấy bối cảnh Khe Sanh mùa khô năm 1967, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ để dẫn truyện, nhưng lại tập trung khắc họa nhân vật chính trong phim là Tân và An được cấp trên giao nhiệm vụ, chuyển một bức thư hỏa tốc cùng những bức thư hậu phương chuyển cho đồng đội trên cao điểm 861 đang bị địch vây hãm bốn phía.

Cảnh trong phim Người trở về.

Trên hành trình đưa thư hỏa tốc, Tân và An phải vượt qua những bãi mìn, những ổ phục kích và chứng kiến những mất mát hy sinh của đồng đội. Dẫu vậy, Tân và An đã nhiều lần vượt qua gian khó trên đường làm nhiệm vụ như phá vòng vây của địch, giải cứu đồng đội... Đường thư qua đó đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ quân bưu rất anh dũng kiên cường làm người xem như cảm nhận được những khoảng lặng biết nói, đồng thời cho thấy tình yêu, những hy sinh lặng thầm của người chiến sĩ quân bưu trong chiến tranh.

Nếu Đường thư khắc họa người lính quân bưu thì Cuộc vượt ngục thần kỳ - bộ phim truyền hình (Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện) đã phát sóng trước đây tập trung ca ngợi khí phách của người cộng sản anh dũng, kiên cường tại nhà tù Côn Đảo. Theo đó, chuyện phim Cuộc vượt ngục thần kỳ xảy ra vào giai đoạn 1948 - 1950, Đảo ủy Côn Đảo chủ trương tìm mọi cách giải thoát cho một số cán bộ cốt cán để trở về đất liền, tham gia kháng chiến.

Câu chuyện kể về cuộc vượt ngục “thần kỳ” của một nhóm các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo do Xuân Bách chỉ huy. Năm 1943, Xuân Bách bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Khi được giao nhiệm vụ giải thoát đồng đội, anh đã sử dụng biệt tài chữa bệnh bằng Đông y để quân địch bớt kìm kẹp bản thân. Nhờ đó, anh có điều kiện móc nối, tổ chức các cuộc vượt ngục đã kết được thuyền, trở về với đất liền, trở về với cách mạng sau bao nhiêu lần thất bại trước đó. Bộ phim truyền hình này cho thấy tinh thần kiên cường vượt mọi gian khổ trong hoàn cảnh giam cầm, tra tấn của chiến sĩ cộng sản và họ đã đấu tranh anh dũng, quật cường, biến khó khăn và lòng căm thù thành sức mạnh, biến nhà tù thành trường học cách mạng khiến kẻ thù phải khiếp sợ, kính nể.

Một bộ phim khác về đề tài chiến tranh, về hình tượng người lính gây được tiếng vang cho nền điện ảnh nước ta thời gian qua là Ký ức Điện Biên. Trong phim, ký ức về Điện Biên được nhìn nhận từ nhiều phía qua số phận của ba con người trẻ tuổi: Bạo - một anh lính Vệ quốc đoàn dũng cảm, Mây - nữ y tá xinh đẹp và Bernard  - người lính Pháp. Phim này có những chi tiết đắt, tạo được điểm nhấn, đó là khoảnh khắc Bạo chứng kiến cảnh Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội mình, Bạo bừng tỉnh, nhận ra tình người có thể vượt qua mọi biên giới, xung đột. Chính khoảnh khắc bừng tỉnh nhân văn ấy, tình yêu đã đến với Bạo. Cảnh Mây ôm choàng lấy Bạo khi mũi súng hạ xuống hiện lên như bức tượng của nhân tính và tình yêu trên nền trời đêm rực rỡ những vệt pháo sáng bay lên. Tác phẩm điện ảnh này từng được mời tham dự các Liên hoan Phim quốc tế lớn như Locarno, Singapore..., được giao dịch mua bán ở Liên hoan Phim danh giá Cannes; các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Brunei mua bản quyền từ 4 - 15 năm để chiếu rạp.

Gần đây nhất, phim Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn quân đội - Đại tá Sương Nguyệt Minh cũng để lại nhiều ấn tượng, tạo nên những xúc cảm dạt dào với khán giả. Trong bộ phim khán giả thấy, lúc chiến tranh, cô y tá chiến trường tên Mây đã dũng cảm lao ra giữa bom đạn để đi lấy thực phẩm và thuốc men cứu đồng đội. Tới khi hòa bình lập lại, người lính - y tá Mây trở về nhà thì đã bị gọi là liệt sĩ, còn người yêu cũ đã đi lấy vợ. Phim mô tả bất hạnh mà những người phụ nữ Việt Nam, trong đó có những người lính như y tá Mây sau năm 1975 phải chịu đựng. Nhưng trên hết, thời chiến, y tá Mây là một hình ảnh đẹp cho tinh thần yêu nước, là người có trái tim yêu thương mãnh liệt.

Những tác phẩm điện ảnh ở trên chỉ là số ít và tiêu biểu trong muôn vàn tác phẩm nói về chiến tranh, về hình tượng người chiến sĩ - bộ đội Cụ Hồ. Và tin chắc rằng, hình ảnh và những phẩm chất cao quý của người lính nói riêng, lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam nói chung sẽ còn được môn nghệ thuật thứ 7 đề cập tới trong tương lai. Để rồi từ đó, các tác phẩm điện ảnh sẽ kết nối thế hệ đương thời với lịch sử, giáo dục người trẻ thêm yêu Tổ quốc, biết trân trọng và tri ân thế hệ cha ông đã không tiếc thân mình cho nền độc lập, hòa bình...


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn