Hình ảnh người công an nhân dân

15-03-2013 20:31 | Xã hội
google news

Gần đây, hình ảnh người công an nhân dân đang được dư luận đặc biệt chú ý với tất cả thiện cảm qua những việc cụ thể tại Hà Nội và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, đầu tiên phải kể đến việc các nữ CSGT đứng trên bục điều khiển giao thông vào những giờ cao điểm đã tạo ra nét đẹp về lực lượng công an.

Gần đây, hình ảnh người công an nhân dân đang được dư luận đặc biệt chú ý với tất cả thiện cảm qua những việc cụ thể tại Hà Nội và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, đầu tiên phải kể đến việc các nữ CSGT đứng trên bục điều khiển giao thông vào những giờ cao điểm đã tạo ra nét đẹp về lực lượng công an.

“Đẹp” đây không hẳn chỉ là chị em có ngoại hình đẹp mà lớn hơn là sự yêu thương, thông cảm của người tham gia giao thông với CSGT. Anh em CSGT làm nhiệm vụ trên đường không phải không đẹp nhưng khi chị em trong cảnh phục xuất hiện trên đường thì người dân dễ thấy sự vất vả của CS trong khi anh em làm nhiệm vụ thì dễ có cảm giác như đấy là bình thường. Một thành phố có nhiều nữ CSGT làm nhiệm vụ trên đường còn làm cả thành phố đẹp hơn trong sự mềm mại, dịu dàng khi mà CSGT là hình ảnh rõ nhất về lực lượng công an bởi các anh chị xuất hiện đông nhất, nhiều nhất, quen thuộc nhất trước dân.

Công an Hà Nội còn chú ý cả cái đẹp cụ thể khi có quy định CSGT nam béo bụng, quá lùn, quá thấp bé nhẹ cân sẽ lui vào “hậu trường” làm việc khác cũng là cách nghĩ đến dân, một cách nghĩ đẹp. Và nét đẹp nữa là cấm CSGT “núp, nấp, rình phạt” đã tìm đến mục đích cao cả của công việc là điều tiết giao thông chứ không phải chỉ là xử phạt vi phạm giao thông.

Ở Đà Nẵng có chuyện các cảnh sát khu vực phường Thanh Bình, quận Hải Châu đến với dân, đi làm nhiệm vụ của mình trong phường bằng xe đạp. Các anh đã tạo ra nét đẹp bình yên và gần gũi trong lúc làm nhiệm vụ. Với dân, cảnh sát khu vực là lực lượng công an gần gũi nhất có thể có cả chuyện chia sẻ, tâm tình. Chuyện công an phường tự sắm 7 chiếc xe đạp công cho cán bộ chiến sĩ của mình đi đến với dân là nét đẹp có ý thức.

Dư luận chú ý những cái đẹp của CS mới xuất hiện nhưng gần đây cũng quan tâm tới đề xuất của Bộ Công an cho nổ súng đối với một số trường hợp chống người thi hành công vụ. Cảnh sát đại diện cho quyền lực nhà nước đã được trang bị súng và những công cụ hỗ trợ để chống, để sử dụng thích hợp trong từng trường hợp với từng đối tượng cụ thể. Các anh chị lại được học võ thuật, trang bị kiến thức luật pháp nên chắc chắn tự bảo vệ được mình và biết sử dụng vũ khí lúc cần thiết theo đúng luật. Vậy có nên thêm đề xuất này không? Khi đã được trang bị vũ khí (kể cả bộ đội, kiểm lâm, dân quân...) là mặc nhiên được sử dụng đúng mục đích và người được trang bị phải tuân thủ và chịu trách nhiệm trước những quy định của pháp luật về việc sử dụng vật dụng được trang bị. Thêm điều này có khi thừa và rất dễ vô tình để người thi hành công vụ lạm quyền, sử dụng vượt quá giới hạn cho phép.

CS hình sự, CS cơ động nổ súng chống tội phạm đang chống trả là đương nhiên, chẳng cần thêm “đề xuất” nhưng trong khái niệm nhóm người “chống người thi hành công vụ” còn có cả dân như người vi phạm giao thông, người bị cưỡng chế vì lý do nào đấy (say rượu, quá khích...) đã không tuân thủ người thi hành công vụ liệu có nằm trong đề xuất này khi mà CS có đủ khả năng khống chế? Mà nhóm này phần lớn là người vi phạm luật giao thông.Lập lại trật tự kỷ cương bên cạnh việc kiên quyết trấn áp tội phạm thiết nghĩ cũng cần chú ý giáo dục đạo đức trong chính những người thi hành công vụ để dân không nhìn vào những hành vi như vòi vĩnh, hống hách, lạm quyền của “những con sâu” mà coi thường họ để rồi thành “chống người thi hành công vụ”. Xây dựng những hình ảnh đẹp về người công an nhân dân như Hà Nội và Đà Nẵng đã làm sẽ không còn những người chống người thi hành công vụ ở dạng này. Khi hình ảnh người công an nhân dân luôn đẹp trong mắt dân thì ai dám chống lại cái đẹp ngoài bọn tội phạm?!

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn