Phụ huynh TPHCM phấn khởi đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi trong ngày đầu tiên của chiến dịch

31-08-2024 14:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiều phụ huynh ở TPHCM đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi tại hơn 310 điểm tiêm trong ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn thành phố.

Sáng 31/8, Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cùng Viện Pasteur TPHCM và Trung tâm Cấp cứu 115 đã giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại quận Bình Tân, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Đây là những địa phương hiện đang có số ca mắc sởi cao nhất TPHCM.

Ghi nhận tại điểm tiêm Trạm Y tế phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), chưa tới 8h sáng đã có rất nhiều phụ huynh đưa trẻ tới trạm để tiêm vaccine.

Chị Lại Thị Hồng Oanh (37 tuổi) tranh thủ cho con uống sữa trước khi vào tiêm cho biết, thực sự lâu nay chị không biết gì về bệnh sởi, cho tới thời gian gần đây thấy phường và nhà trường đưa ra cảnh báo nên chị mới tìm hiểu.

Phụ huynh TPHCM phấn khởi đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi trong ngày đầu tiên của chiến dịch- Ảnh 1.

BS.CK2 Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (áo trắng) - giám sát công tác tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Tây Thạnh. Ảnh: Phạm Thương.

"Thành phố đang có dịch sởi, nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ rất cao. Trong khi đó, con gái tôi nay đã 6 tuổi nhưng chỉ mới được 1 mũi vaccine khiến tôi lo lắng. Ngay khi biết được phường tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ, tôi đã không ngần ngại cho bé đi tiêm để bé được an toàn hơn khi quay lại trường học trong thời gian tới", chị Hồng Oanh vui mừng chia sẻ.

Tương tự, con trai của chị Nguyễn Thị Loan đã gần 4 tuổi nhưng vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi. "Ngày hôm qua, sau khi nghe thông tin từ loa phát thanh của phường về chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ chưa tiêm đủ mũi, tôi đã nhanh chóng kiểm tra sổ tiêm chủng của bé và phát hiện con mới tiêm được 1 mũi. Vậy nên sáng nay tôi đã dậy chuẩn bị cho bé ăn và đưa trẻ đi tiêm", chị Loan nói.

Cử nhân Nhữ Văn Huy - Trưởng Trạm Y tế phường Tây Thạnh - cho biết, ngày hôm nay điểm tiêm Trạm y tế phường Tây Thạnh đã tiếp nhận 50 liều vaccine từ Trung tâm Y tế quận. Trường hợp số trẻ tới tiêm vaccine đông hơn thì điểm tiêm liên hệ bổ sung vaccine trực tiếp để tiến hành tiêm chủng cho trẻ.

Theo Trưởng Trạm y tế phường Tây Thạnh, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực của trạm, bao gồm 3 bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi lần này. Đồng thời, điểm tiêm Trạm Y tế phường Tây Thạnh cũng nhận được sự hỗ trợ của 1 bác sĩ từ trung tâm.

Phụ huynh TPHCM phấn khởi đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi trong ngày đầu tiên của chiến dịch- Ảnh 2.

88.100 liều vaccine Sởi - Rubella cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Phạm Thương.

"Qua rà soát, hiện nay phường đang có khoảng 3.460 trẻ từ 1-5 tuổi. Trạm sẽ tổ chức tiêm xuyên lễ, sau đó sẽ tổ chức tiêm cố định ở trạm và ở trường học. Theo kế hoạch phường sẽ tiêm xong trong tháng 9", ông Huy cho hay.

Tại điểm tiêm Trạm Y tế phường An Lạc (quận Bình Tân) cũng rất đông phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine.

Bà Lê Thị Ngọc Dung – Phó Chủ tịch quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, trên địa bàn quận đang có khoảng 3.000 trẻ chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi.

"Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lần này, quận Bình Tân đã chỉ đạo tổ chức điểm tiêm tại 10 trạm y tế phường. Dự kiến, mỗi điểm tiêm sẽ tiếp nhận khoảng 30-60 trẻ trong một buổi. Các điểm tiêm sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ", bà Dung cho biết.

Được biết, quận Bình Tân sẽ tiếp tục rà soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ vừa theo cha mẹ đến sinh sống, lập danh sách và mời tiêm chủng, tránh tình trạng bỏ sót trẻ.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: "Đối với những trẻ chưa được tiêm vaccine chúng ta cần bảo vệ trẻ bằng cách hạn chế lây lan cho trẻ trong cộng đồng cũng như trong bệnh viện. Theo đó, chúng ta cần tạo miễn dịch cộng đồng, khi miễn dịch cộng đồng trên 95% sẽ tạo thành bức tường chắn bảo vệ cho trẻ".

Phụ huynh TPHCM phấn khởi đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi trong ngày đầu tiên của chiến dịch- Ảnh 3.

Tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất trước dịch sởi. Ảnh: Phạm Thương.

Về công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) - nhận định: "Qua giám sát ở các điểm tiêm, chúng tôi ghi nhận các điểm tiêm thực hiện đúng và đủ những quy định về an toàn tiêm chủng từ bảo quản vaccine, khám sàng lọc, đến chỉ định tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng. Đây là một trong những yếu tố để người dân ngày càng tin tưởng và đưa con đến tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng này".

Bà Nga cho hay, đoàn cũng đã giám sát tại một khu dân cư và ghi nhận các trẻ em tại đây đã được thông báo mời tiêm chủng, trong khu dân cư treo những áp phích truyền thông do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hành và yêu cầu các cơ sở y tế sử dụng tại địa bàn.

Sau khi TPHCM công bố dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã đặt 300.000 liều vaccine và tiến hành phân bổ 88.100 liều vaccine Sởi - Rubella cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và một số bệnh viện tuyến thành phố để tổ chiến dịch tiêm vaccine sởi tại hơn 310 điểm tiêm trên địa bàn thành phố từ ngày 31/8.

Theo đó, những đối tượng chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi trong đợt 1 của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi, cụ thể là: trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả trẻ thuộc nhóm nguy cơ; trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố; nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc bệnh sởi hoặc chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao… sẽ được tiêm vaccine trong đợt này.

Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn như thế nào?Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn như thế nào?

SKĐS - Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên có nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi. Vậy, bệnh sởi ở người lớn có biểu hiện như thế nào?


Phạm Thương
Ý kiến của bạn