Himalaya “khóc”, Việt Nam ngập lụt

15-12-2009 11:38 | Quốc tế
google news

Bản chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2010 công bố hôm 8/12/2009 đã khẳng định tình trạng thiên tai tại Việt Nam phảI chịu trong 20 năm gần đây bắt nguồn từ việc trái đất nóng lên, khiến chu kỳ khí hậu bị thay đổi.

Bản chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2010 công bố hôm 8/12/2009 đã khẳng định tình trạng thiên tai tại Việt Nam phảI chịu trong 20 năm gần đây bắt nguồn từ việc trái đất nóng lên, khiến chu kỳ khí hậu bị thay đổi.

Ở châu Á, băng tuyết trên rặng núi Himalaya đang tan ra nhanh chóng là nguyên nhân chính gây nên thiên tai bão lụt trong toàn khu vực. Khi lập ra bản chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, tổ chức Germanwatch đã dựa trên 4 chỉ số để xếp hạng các quốc gia: tổng số người bị thiệt mạng hàng năm, tỷ lệ người chết so với cư dân, tổng số thiệt hại vật chất, tỷ lệ thiệt hại vật chất so với GDP. Từ năm 1990 - 2008, Việt Nam đứng thứ tư trong số các nước bị thiên tai tác hại nặng nề, sau Bangladesh, Myanmar và Honduras.  Các số liệu riêng lẻ từng năm từ 2005 đến nay đều cho thấy Việt Nam luôn luôn nằm trong danh sách 10 nước bị thiên tai bão lụt khắc nghiệt tác hại nặng nề nhất. Theo thống kê của Germanwatch, từ năm 1990 đến năm 2008, thiên tai hàng năm đã cướp đi mạng sống của 466 người Việt Nam và làm mất đi trên 1,5 triệu đô-la của cải.

Sông băng Khumbu trên sườn núi Everest năm 2001, với nhiều chỗ không còn băng, để trơ nền đất màu nâu.

Đối với giới khoa học, dù ở tận phía Đông Nam châu Á, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của tình trạng khí hậu biến đổi làm cho các dải băng hà trên dãy núi Himalaya tan ra nhanh chóng, với hệ quả trước mắt là làm đảo lộn chu kỳ mưa bão trong vùng, đồng thời gia tăng lưu lượng nước các con sông xuất phát từ dãy núi này, trong đó có sông Mêkông.

Sự kiện những dải băng hà trên Himalaya tan nhanh đặc biệt được công luận thế giới chú ý vào năm 2007 khi Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC của Liên hiệp quốc gióng lên hồi chuông báo động. Theo IPCC, từ năm 1970 đến nay, nhiệt độ trên Himalaya đã tăng thêm 10C, gấp đôi mức bình quân trên trái đất. Điều này đã khiến cho các khối băng trên Himalaya tan chảy và co lại với tốc độ đáng báo động. Từ năm 1962 - 2004, diện tích hơn 1.000 ''sông băng'' trên dãy Himalaya đã bị thu hẹp khoảng 16%. Nếu đà này tiếp diễn, băng hà tại nơi này có thể biến mất vào năm 2035.

      Sông băng Khumbu, trên sườn núi Everest, đã bị thu hẹp khoảng 5km từ những năm 1950. Riêng vào năm 1998, được xem là năm nóng nhất của thập kỷ nóng nhất từ trước đến nay, thác băng Dokriani Barnak, bên phía Ấn Độ đã bị mất thêm 20m. Tốc độ tan băng cũng gia tăng. Trong một bài viết trên tờ International Herald Tribune, các chuyên gia Nhật Bản thuộc Trường đại học Nagoya đã nêu ra hai thí dụ: thác băng Chhukhung chỉ co lại 5m bình quân vào cuối thập niên 1970. Nhưng qua thập niên 1990, thì tốc độ thu hẹp tăng lên thành 20m mỗi năm. Trường hợp thác băng mang ký hiệu AX010 cũng vậy. Từ khoảng 2,7m mỗi năm vào thập niên 1980, khối băng này đã thu hẹp lại mỗi năm 12,5m từ thập niên 1990 đến nay.

Điều gì đã khiến cho các dải băng bị thu hẹp lại? Theo các chuyên gia Nhật Bản, có 3 yếu tố chính: một là nhiệt độ gia tăng làm băng tan; hai là khí quyển nóng lên biến tuyết thành mưa, khi rơi xuống làm băng chảy ra; và ba là lượng tuyết cũng giảm sụt. Hiện tượng băng hà trên Himalaya tan chảy nhanh chóng tác hại không chỉ cho các quốc gia ngay dưới chân núi như Nêpal, Ấn Độ, Trung Quốc, mà còn cho cả những nước ở xa nhưng lệ thuộc vào các con sông bắt nguồn từ Himalaya, trong đó có Việt Nam. Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên WWF, băng tan nhanh trên Himalaya sẽ có hai tác hại: trước mắt và lâu dài. Trước mắt, hiện tượng này làm tăng lưu lượng các con sông xuất phát từ Himalaya, gây lũ lụt ở các nước bên dưới, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Campuchia, Việt Nam. Tuy nhiên về lâu về dài thì xảy ra hiện tượng ngược lại: băng tuyết bên trên ít đi, nguồn cung cấp nước cho các dòng sông châu Á như sông Hằng, sông Irrawaddy, sông Dương Tử hay sông Mêkông sẽ cạn dần, gây ra tình trạng thiếu nước ở hạ nguồn. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, lưu lượng sông Mêkông giảm bớt sẽ tạo điều kiện cho nước biển tràn ngược trở vào, làm hiện tượng đất hoá phèn thêm nghiệm trọng.

Trong một bản báo cáo công bố vào tháng 5/2009, các nhà nghiên cứu của Tổ chức phi chính phủ Care International, kết hợp với Trường đại học Mỹ Columbia đã nêu bật các mối đe dọa của hiện tượng tan băng trên đỉnh Himalaya, đối với đời sống của hàng triệu con người tại các nước ở vùng hạ nguồn sông Mêkông, đặc biệt là Việt Nam. Đối với Care International, bị kịch đối với ngườI Việt Nam ở hạ nguồn đã bắt đầu diễn ra, bằng chứng cụ thể đã được tổ chức này nêu bật là trận lụt có thể nói là lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2000 với hơn 500 người chết trong vỏn vẹn vài tuần lễ, đa số là trẻ em, hàng trăm ngàn người khác phải tản cư và gần một triệu ngôi nhà bị ngập nước.

Song Hà

(Theo International Herald Tribune, RFI) 


Ý kiến của bạn