Sự thật là, những nỗi sợ hãi hay ấn tượng tiêu cực về nội soi có thể do những nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khiến mọi người ngại đi nội soi
- Phải chờ đợi quá lâu trong trạng thái bụng bị đói: bệnh nhân đi khám nội soi dạ dày hay đại tràng phải nhịn ăn tối thiểu trước khi soi 6 giờ, nhưng không phải tới nơi là được tiến hành nội soi ngay nên nhiều bệnh nhân phải nhịn ăn từ sáng, cho tới tận cuối giờ chiều mới được soi.
- Người bệnh không được giải thích và trấn an tâm lý trước cuộc soi. Khi nằm lên bàn soi người bệnh có cảm giác sợ hãi, không thể hợp tác được với thầy thuốc đặc biệt là soi không gây mê.
Tư vấn cho bệnh nhân trước soi rất quan trọng, giúp họ an tâm và hợp tác tốt trong khi soi.
- Cảm giác đau, khó chịu khi nội soi, đặc biệt là soi không gây mê: có nhiều nguyên nhân như bệnh nhân không được giải thích kỹ, sẽ không biết cách hợp tác với bác sĩ trong khi soi; hoặc những bệnh nhân có tiền sử mổ vùng bụng (mổ đẻ, mổ ruột thừa …) sẽ dễ bị dính ruột nên khi soi đại tràng thường bị đau; hoặc do kỹ thuật soi của bác sĩ không được thành thục, khéo léo…
- Uống một lượng lớn thuốc rửa đại tràng (thường từ 2-4 lít) trong thời gian từ 1-2 giờ mà loại dung dịch này có vị khá khó uống.
- Thiếu nhà vệ sinh ở những cơ sở y tế quá tải: bệnh nhân soi đại tràng phải uống thuốc rửa đại tràng, mỗi người sẽ phải đi ngoài khoảng 5-8 lần để tống hết phân ra ngoài, làm sạch đại tràng trong thời gian vài giờ. Trong những tình huống thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ, thuận tiện thì đó cũng là một nỗi sợ hãi cho người bệnh.
- Nghi ngờ về tính an toàn trong khử khuẩn máy nội soi. Nhiều người bệnh cũng khá băn khoăn liệu rằng dây soi có thực sự được khử khuẩn đúng, đảm bảo không lây truyền chéo hay không.
Dây nội soi được rửa bằng máy tự động. Áp dụng ở hầu hết các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ.
Để người bệnh đi nội soi cảm thấy thật thoải mái và yên tâm
Vì nội soi sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc rất cần thiết cho mỗi chúng ta. Hơn nữa không phải làm một lần trong đời mà thường được làm 1 năm/lần (theo khuyến cáo của Nhật Bản, Hàn Quốc). Vậy bạn cần chuẩn bị gì, làm như thế nào để không cảm thấy sợ hãi?
- Người bệnh được tư vấn, hướng dẫn rõ ràng trước, trong và sau khi soi.
- Người bệnh được trấn an tâm lý trước khi soi, đặc biệt là bệnh nhân nội soi tỉnh (không gây mê).
- Nếu người bệnh không thể hợp tác với y bác sỹ trong nội soi tỉnh thì nên làm nội soi gây mê, hoặc chọn loại dây soi nhỏ đường mũi khi soi dạ dày…
- Lựa chọn loại thuốc rửa ruột cần uống với số lượng ít hơn.
- Tạo không gian ngồi chờ và khu vệ sinh cho người bệnh được thuận tiện, thoải mái, an toàn
- Bố trí luồng khám và đặt lịch hẹn với bệnh nhân một cách khoa học. Tốt nhất người bệnh được nội soi trong buổi sáng, muộn nhất là đến buổi trưa để tránh tình trạng phải nhịn đói trong thời gian dài.
- Sử dụng dây soi chất lượng tốt, có phương tiện hỗ trợ nếu cần (đầu nhựa trong - transparent cap), nội soi bằng khí CO2, kỹ thuật soi của bác sĩ khéo léo, nhẹ nhàng … cũng là những yếu tố quan trọng giúp cuộc soi được thuận lợi, hạn chế cảm giác khó chịu cho bệnh nhân trong và sau khi soi.
- Phòng hồi tỉnh cho bệnh nhân soi gây mê nên được yên tĩnh, kín đáo, riêng tư
- Chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ cho người bệnh sau khi soi (cháo, mỳ, sữa, bánh…)
- Rửa dây soi bằng máy rửa tự động là tốt nhất, nếu rửa bằng tay thì cần đảm bảo tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng hướng dẫn.
- Nếu nội soi gây mê thì nên có người nhà đi cùng.
- Tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận, chu đáo trước khi ra về.
Nhà vệ sinh sạch sẽ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ nội soi.
Có thể bạn là người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi đã bước sang tuổi 40, hãy nghĩ tới việc đi nội soi dạ dày, đại tràng tầm soát ung thư sớm. Nếu bạn lựa chọn cơ sở y tế thăm khám phù hợp thì Nội soi chỉ còn là chuyện nhỏ!
Xem thêm video được quan tâm
Uống nước tăng lực thường xuyên có hại thế nào? I SKĐS