Trung tâm y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết vừa ghi nhận thêm một ổ dịch thủy đậu tại một cao ốc ở quận Tân Bình với 5 người mắc. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virut Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và không trừ một ai nếu chưa có mắc hoặc chưa tiêm phòng vắc-xin. Bệnh có thể mắc quanh năm nhưng hay gặp hơn cả là mùa đông - xuân do không khí nồm ẩm tạo điều kiện cho virut gây bệnh phát triển. Vì vậy, mỗi chúng ta nên hiểu đúng về bệnh để phòng ngừa hiệu quả.
Người bệnh là nguồn lây duy nhất
Người bị thủy đậu làm lây bệnh ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên cho đến khi nốt đậu đóng vảy. Virut từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt người bệnh bắn sang người lành khi nói, ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua mũi - họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt...). Tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở các đô thị, nơi đông dân và trong mùa đông - xuân là hay gặp. Tuổi mắc nhiều nhất là 2-7 tuổi, ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng mắc nếu như lúc nhỏ chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa mắc bao giờ. Khi đã mắc bệnh cơ thể sẽ có miễn dịch và không mắc lại.
Tổn thương da do thủy đậu.
Biểu hiện của bệnh thủy đậu
Sau một thời gian ủ bệnh chừng 14-15 ngày thì bệnh phát. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn ăn, chơi bình thường làm cho người mẹ không để ý, đến khi đậu mọc mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu. Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, đau mỏi các khớp, dễ kích thích, ngứa, rồi 24-36 giờ sau đậu mọc. Ban mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định: ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc. Đậu thường thưa, nhưng cũng có trường hợp mọc dày chi chít, mọc cả ở niêm mạc miệng, kết mạc mắt rồi vỡ ngay. Thoạt đầu, những nốt đỏ giống như ban sởi, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nốt phỏng rất nông trông như giọt sương, hình quả xoan; nếu lấy hai ngón tay căng nốt phỏng ra, ta sẽ thấy mặt nốt phẳng nhăn lại. Các nốt này mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt: có nốt to, nốt nhỏ, có nốt đỏ, nốt phỏng, có nốt đã đóng vảy. Đến ngày thứ 4-6, nốt đậu đóng vảy, vảy có màu nâu sẫm. Một tuần sau vảy bong và không để lại sẹo. Bệnh khỏi và cơ thể thu được miễn dịch bền vững. Người lớn chưa từng mắc cũng có thể bị bệnh và bệnh thường nặng. Người bệnh thường sốt cao 39-40oC, trằn trọc, mê sảng; nốt phỏng có thể kèm theo máu. Phụ nữ có thai bị thủy đậu trong nửa đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ của bào thai. Với trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, những người bị eczema hoặc có bệnh về máu, bệnh thường nặng. Nếu trẻ gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, nốt phỏng có thể bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn da nặng hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu.
Các trường hợp biến chứng nặng
Thủy đậu có thể gây biến chứng, trong đó nhiễm khuẩn da là biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu. Khi các mụn nước vỡ ra và bị nhiễm trùng có thể gây sẹo xấu, đặc biệt khi bệnh nhân gãi nhiều ở vùng tổn thương; Có thể gây viêm thận cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm tủy thoáng qua, viêm màng não vô khuẩn... Các biến chứng đặc biệt nặng có thể xảy ra trên bệnh nhân AIDS, lupus, bệnh bạch cầu và ung thư. Biến chứng còn xảy ra trên bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch như các corticoid; Trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu ở 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ chịu những nguy cơ cao của bệnh. Nếu mẹ phát bệnh thủy đậu 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi sinh, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh có thể lên đến 30%.
Tiêm vắc-xin cho trẻ là biện pháp phòng thủy đậu tốt nhất.
Làm gì khi bị thủy đậu?
Thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. Vì bệnh do virut nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà điều trị chủ yếu bằng chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời khi có biến chứng. Người bệnh phải cho cách ly tại nhà trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vảy. Hằng ngày cần tắm gội bằng nước sạch để da luôn sạch (tránh sai lầm cho rằng thủy đậu phải kiêng nước). Quần áo phải được giặt bằng xà phòng và nước sạch rồi là ủi trước khi mặc. Chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay để tránh gãi gây trầy xước nốt đậu. Thường xuyên nhỏ mắt, mũi ngày 2-3 lần bằng thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%; Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh methylen hoặc milian vừa có tác dụng sát khuẩn vừa bớt ngứa và làm khô se tổn thương; chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc. Ngoài ra, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều. Nếu bệnh nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Khi thấy đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, sợ ánh sáng cần đi khám ngay.
Thủy đậu lây truyền rất nhanh, có thể có biến chứng nguy hiểm khi các mụn nước vỡ ra và bị nhiễm khuẩn, có thể gây sẹo xấu, đặc biệt khi bệnh nhân gãi nhiều ở vùng tổn thương. Tuy vậy, bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Những người trong khu vực có dịch hoặc người chăm sóc người bệnh cần thường xuyên mang khẩu trang y tế (loại sử dụng 1 lần). Bên cạnh đó, cần thực hiện rửa tay với xà phòng trước khi ăn. Tránh những sai lầm do không nhận thức đúng về bệnh thủy đậu, mà chữa bằng phương pháp dân gian, không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến bội nhiễm. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa mắc thủy đậu bao giờ hoặc chưa tiêm vắc-xin khi nhỏ cần tiêm ngay để phòng thủy đậu khi mang thai.