Hà Nội

Hiểu và dùng đúng thuốc nhỏ mắt thông dụng

25-06-2024 09:35 | Y học 360
google news

Thuốc nhỏ mắt thông dụng là loại làm dịu mắt, bổ dưỡng, làm cho mắt dễ chịu, bớt ngứa, bớt cương tụ (đỏ mắt). Có thuốc còn là nước mắt nhân tạo trị khô mắt.

Thuốc nhỏ mắt thông dụng là thuốc gì?

Thuốc nhỏ mắt còn gọi là thuốc nhãn khoa, là những chế phẩm không chứa các vi khuẩn gây bệnh, các chất lạ gây hại, thích hợp để nhỏ mắt hoặc tra vào bờ mí mắt với mục đích điều trị hoặc chẩn đoán các bệnh về mắt.

Thuốc nhỏ mắt chuyên dụng chứa kháng sinh kết hợp với corticoid để chữa trị bệnh mắt nhiễm khuẩn, thuốc nhỏ mắt làm chậm đục thủy tinh thể, trị tăng nhãn áp, thuốc giãn đồng tử v.v… Còn thuốc nhỏ mắt thông dụng là loại làm dịu mắt, bổ dưỡng, làm cho mắt dễ chịu, bớt ngứa, bớt cương tụ (đỏ mắt). Có thuốc còn là nước mắt nhân tạo trị khô mắt. Hiện nay, nhiều người rất thích dùng thuốc nhỏ mắt thông dụng là thuốc nhỏ mắt chứa nước muối sinh lý (gọi là thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9%) mua ở nhà thuốc để nhỏ mắt, đặc biệt khi làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt.

Lưu ý gì khi dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng?

Nếu đã xác định đúng là thuốc nhỏ mắt chuyên dụng, thì tuyệt đối người dân thường không tự tiện dùng bừa bãi, vì có nguy cơ gây loạn khuẩn ở kết mạc, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và cũng không dùng nhỏ mắt cho trẻ em vì độc cho tủy và có nguy cơ gây suy tủy.

Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh kết hợp với corticoid phải được dùng đúng, không thể tùy tiện có thể gây hại mắt. Nếu mắt bị nhiễm virus (siêu vi), vi nấm hay chớm tăng nhãn áp mà nhỏ thuốc có chứa corticoid có thể mù mắt. Để đảm bảo điều trị đúng bệnh, người có vấn đề về mắt tốt nhất đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp.

Hiểu và dùng đúng thuốc nhỏ mắt thông dụng- Ảnh 1.

Lưu ý gì khi dùng thuốc nhỏ mắt thông dụng, đặc biệt thuốc nhỏ mắt Natri clorid - NaCl 0,9%?

- Chỉ sử sụng thuốc nhỏ mắt khi thật sự cần thiết. Nếu mắt mới bị đỏ mà chưa đi khám được có thể dùng tạm thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% để nhỏ mắt. Nếu nhỏ sau 1-2 ngày không thấy giảm bớt triệu chứng phải đi khám ở bác sĩ chuyên khoa mắt.

- Khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt, cũng có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa nước muối sinh lý hay thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% mua ở nhà thuốc để nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt.

- Khi nhỏ thuốc, tay nên rửa sạch, dùng ngón tay kéo mí mắt dưới xuống, nhỏ đúng số giọt yêu cầu trong hướng dẫn, hướng mắt lên. Tránh không chạm đầu lọ thuốc vào mắt. Nhỏ xong đậy kín lọ thuốc ngay.

- Không dùng thuốc khi thuốc có hiện tượng đổi màu (dù còn trong hạn sử dụng)

- Nếu đang nhỏ thuốc thấy mắt đau nhức hoặc mắt mới bị đau chưa dùng thuốc nhỏ mắt mà bị đau nhức phải đi khám gấp vì đó là dấu hiệu nguy hiểm.

Nước muối sinh lý là dung dịch Natri clorid 0,9%, có chứa muối ăn NaCl ở nồng độ 0,9% (tức là 1 lít dung dịch nước muối chứa 9g muối ăn) tương đương với nồng độ muối của dịch cơ thể con người gồm máu, nước mắt… trong tình trạng hoạt động sinh lý bình thường. Nước muối sinh lý được bào chế tại các công ty dược phẩm bảo đảm điều kiện sản xuất thuốc, trong đó có vô trùng, đẳng trương và không màu. Nếu sản xuất trong nước và lưu hành trên thị trường, nó phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký (số này được in trên nhãn, bao bì).

Cần lưu ý, nếu dùng nhỏ rửa mắt, tuyệt đối phải dùng là thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% (trên bao bì thuốc có vẽ hình "con mắt" và có số đăng ký cho biết đây là thuốc). Tuyệt đối không dùng nước muối sinh lý không có số đăng ký và không có vẽ hình con mắt để nhỏ mắt.

Có thể dùng nước muối sinh lý là thuốc nhỏ mắt để nhỏ mũi (thường dd NaCl 0,9% nhỏ mắt có ghi thêm nhỏ mũi, phụ trị nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi dị ứng). Tuyệt đối không dùng ngược lại là dùng thuốc thuốc nhỏ mũi NaCl 0,9% (chỉ ghi dùng nhỏ mũi) để nhỏ mắt.

Để bào chế nước muối sinh lý làm thuốc nhỏ mắt, người ta phải thêm tá dược benzalkonium clorid là chất bảo quản dùng an toàn giúp thuốc vô trùng. Tá dược này gây đắng, nếu dùng thuốc nhỏ mũi, thuốc xuống miệng họng gây đắng, trẻ con nhạy cảm sẽ khó chịu, quấy khóc.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức


PGS.TS.DS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn