Hiểu và dùng đúng thuốc kháng nấm

15-01-2019 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mặc dù không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng các bệnh nấm da thường dai dẳng, dễ tái phát, gây khó khăn trong điều trị.

Trong trường hợp nhiễm nấm, việc điều trị sớm, lựa chọn đúng thuốc là rất cần thiết.

Nước ta nằm trong khu vực có nhiệt độ thời tiết thay đổi của xứ nhiệt đới ẩm. Đây là điều kiện để bệnh nấm, đặc biệt là bệnh nấm da phát triển và gây bệnh trên cơ thể người. Khi bị nhiễm nấm da, vi nấm gây bệnh tiết ra các độc tố gây kích ứng làm da nổi mẩn và ngứa ngáy rất khó chịu. Hậu quả là da dễ bị nhiễm khuẩn ngoài nhiễm nấm, cộng thêm viêm da và chàm hóa… Các vùng da có nguy cơ nhiễm nấm cao là vùng da ẩm ướt, nơi có nhiều mồ hôi như bẹn, nách, kẽ ngón chân, quanh lưng, dưới cổ…

Bệnh nấm da rất dễ lây lan và hay tái phát, vì các bào tử nấm có thể lẫn vào không khí và môi trường dễ dàng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Nếu trong nhà có người bị nhiễm nấm da thì bạn cũng có nguy cơ bị nấm da rất cao nếu không chú ý vệ sinh, dùng chung đồ đạc, nằm chung giường với người nhiễm… Chính vì thế, rất cần sử dụng đồ dùng riêng biệt với người bị nhiễm nấm, không ngủ chung giường, mặc chung quần áo để phòng tránh bệnh có thể lây nhiễm.

Thuốc kháng nấm gồm những thuốc gì?

Tùy vào vị trí mà nấm thâm nhiễm, có hai loại nấm gây bệnh cho người. Một là các loại nấm gây bệnh nấm toàn thân gồm các nấm men như Candida spp..., hoặc các loại nấm mốc như: Aspergillus spp... Hai là các loại nấm gây bệnh nấm da như: Epidermophyton, Microsporum, Trichophyton...

Hiểu và dùng đúng thuốc kháng nấmBệnh nấm da rất dễ lây lan và hay tái phát

Vì vậy, có 2 loại thuốc dùng trị 2 loại bệnh nấm đã kể: thuốc kháng nấm toàn thân (khi có sự nhiễm nấm lan tỏa ra nhiều bộ phận, nhiều cơ quan của cơ thể), thuốc kháng nấm ngoài da (ở niêm mạc, da, tóc, móng chân, móng tay…).

Thuốc kháng nấm trị toàn thân:

Có thuốc amphotericin B tiêm tĩnh mạch hay nystatin, griseofulvin, ketoconazol, itraconazol dùng đường uống trị bệnh do nấm Aspergillus (Aspergillosis) nhiễm ở đường hô hấp và mắt, cũng có khi là tim, thận, gan, não, bệnh do nấm Blastomyces gây ra ở phổi, xương, hệ sinh dục - tiết niệu, bệnh do nấm Candida thường có ở ống tiêu hóa, miệng, âm hộ. Đương nhiên những thuốc kháng nấm trị toàn thân phải được bác sĩ chỉ định dùng, không thể dùng tùy tiện.

Thuốc kháng nấm ngoài da:

Bệnh nhẹ và hạn chế ở từng vùng của da có thể điều trị tại chỗ bằng những loại thuốc cổ điển dùng lâu đời như: axít benzoic, axít salicylic, tím gentian (methylrosanilin), axít undecenoic, kẽm undecenoat.

Ketoconazol, itraconazol, selen sulfid cũng được dùng trong thành phần xà phòng gội đầu để trị nấm da đầu. Còn bị lang ben (Pitiriasis versicolor) chỉ cần bôi thuốc là hợp chất vô cơ là natri thiosulfat 2 lần mỗi ngày trong 4 tuần thường có thể khỏi.

Các dẫn chất imidazol dùng dạng kem bôi tại chỗ hiện nay thường dùng là: clotrimazol, ketoconazol, miconazol.

Nếu bị nấm móng và nấm da đầu ngoài dùng thuốc bôi ngoài da còn phải điều trị toàn thân trong vài tuần bằng cách uống thêm griseofulvin hoặc fluconazol.

Nếu bị nấm ở thân (tinea corporis) có thể điều trị bằng thuốc mỡ phối hợp có axít benzoic hoặc một thuốc bôi ngoài da như miconazol. Trong trường hợp bệnh dai dẳng, cần phải điều trị toàn thân bằng cách uống griseofulvin trong 4 tuần.

Nếu bị nấm bàn chân thường hay tái phát phải điều trị bằng kem bôi ngoài da miconazol. Nếu tổn thương nặng chảy nước, phải ngâm bàn chân vào dung dịch thuốc tím 1: 10.000, phối hợp thuốc bôi chống nhiễm khuẩn và có khi phải điều trị toàn thân.

Cần lưu ý những gì trong trị và phòng tránh bệnh nấm da?

Một số người có thói quen dùng thuốc bôi corticoid trị bệnh nấm da nhưng đối với loại thuốc này người bệnh nên rất thận trọng và không nên dùng vì thuốc có thể gây nên nhiều tác dụng phụ có hại ảnh hưởng tới da như: teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn.

Đối với những người bị nhiễm nấm thì ngoài việc dùng các loại thuốc được nêu ở trên nên thực hiện một số biện pháp phòng và trị bệnh như sau:

- Nên giữ vùng da bị nấm thông thoáng, không mặc đồ ẩm hoặc đồ quá chật, chọn mặc các loại vải dễ thoát mồ hôi.

- Vệ sinh da sạch hằng ngày, sau khi vận động, khi ra nhiều mồ hôi trong thời tiết nóng.

- Giặt giũ quần áo, giường chiếu sạch sẽ, thường xuyên để diệt trừ vi nấm gây bệnh.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn