Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa ký Quyết định về việc bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Theo Quyết định, 28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đồng thời là Chủ tịch 28 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. So với nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029 có 16/28 Ủy viên là thành viên mới.
GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học là 1 trong 16 thành viên mới của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tân Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Sức khỏe - một trong các Hội đồng chuyên môn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, Trưởng Ban Tư vấn chuyên môn Y khoa - Bệnh viện E, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, Ủy viên Hội Phẫu thuật viên lồng ngực và tim mạch châu Á, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện E; nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E.
GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành sinh năm 1961, trong một gia đình có truyền thống nghề y ở Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1984, ông làm bác sĩ nội trú Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Đại học Y Hà Nội khoá 11 (1983 - 1987). Ông nhận bằng Tiến sĩ Y học năm 2001 tại Trường Đại học Y Hà Nội. Các năm 2006 và 2015, ông lần lượt được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư rồi Giáo sư ngành Y học.
GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành từng có 27 năm gắn bó với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đó giữ chức vụ trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ năm 2004 - 2010, trước khi chuyển công tác tới Bệnh viện E.
Theo bản lý lịch khoa học được kê khai ngày 22.4.2024 đăng trên website Hội đồng Giáo sư Nhà nước, GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành đã chủ biên gồm 5 sách chuyên khảo, 2 giáo trình và 2 sách hướng dẫn.
Trong đó, 4/5 sách chuyên khảo được GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành viết một mình là cuốn "Bệnh màng phổi", "Tuần hoàn ngoài cơ thể", "Bệnh Tim mạch thường gặp", và "Bệnh thông liên thất".
Về các bài báo cáo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học, theo kê khai, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học đã công bố tổng số 189 bài báo (gồm 170 bài báo tạp chí trong nước và 19 bài báo tạp chí quốc tế).
Thời gian 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần đây nhất (từ 2019 - 2024), GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành có 36 bài báo (hồm 23 bài báo tạp chí trong nước và 13 bài báo tạp chí quốc tế - Web of Science/Scopus).
Trong đó, năm 2019: có tổng cộng 11 bài (6 bài báo quốc tế; 5 bài báo trong nước); năm 2020: có tổng cộng 4 bài đều là bài báo quốc tế; năm 2021: có tổng cộng 13 bài (2 bài báo quốc tế; 11 bài báo trong nước); năm 2022: có tổng cộng 5 bài (3 bài báo quốc tế; 03 bài báo trong nước); năm 2023: có tổng cộng 1 bài báo quốc tế; năm 2024 (tính đến thời điểm kê khai lý lịch): có tổng cộng 2 bài (1 bài báo quốc tế; 1 bài báo trong nước).
GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành còn là chủ nhiệm của 2 đề tài và tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước; chủ nhiệm 6 đề tài cấp Bộ và tương đương; chủ nhiệm 1 đề tài quốc tế của Anh quốc.
Trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần nhất, vị giáo sư này có 12 đề tài tham gia đã được nghiệm thu.
Đến thời điểm hiện tại, GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành hướng dẫn chính cho 7 nghiên cứu sinh đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.
Trong sự nghiệp của mình, tân Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học đã được trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý như: danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" (năm 2010); được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì năm 2013; danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân" (năm 2017); đạt giải Nhất của Giải thưởng Nhân tài đất Việt với đề tài "Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tim mạch" (năm 2019).
Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (Điều 17, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg) quy định:
1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng.
2. Trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.
3. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh; có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước phải có chức danh giáo sư; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư.
5. Đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.
6. Có sức khỏe, thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao.