Chia sẻ với báo chí trong buổi thông tin về Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. Nguyễn Văn Minh cho biết, thi tốt nghiệp THPT nhằm chứng nhận một học sinh hoàn thành chương trình phổ thông. Thi đại học giúp thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể để làm việc. Các kỳ thi riêng ra đời để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp này.
Về điểm khác biệt của Kỳ thi đánh giá năng lực của trường năm nay, GS. Nguyễn Văn Minh cho biết, năm trước đây chỉ là một phương thức để nhà trường xét tuyển. Năm nay, nhà trường tổ chức thành kỳ thi đánh giá năng lực độc lập. Kết quả kỳ thi này không chỉ dùng riêng cho trường mà các trường Sư phạm toàn quốc cũng sử dụng để tuyển sinh.
Theo GS. Nguyễn Văn Minh, không có phương thức thi nào là tốt tuyệt đối vì mỗi phương thức sẽ có ưu nhược điểm riêng. "Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hướng tới không làm xáo trộn những điều mà các thí sinh đã quen thuộc".
GS. Nguyễn Văn Minh cũng khẳng định, thí sinh học tốt, ôn luyện tốt tại trường THPT nơi mình theo học đều có thể đáp ứng kỳ thi tốt nhất trong khả năng có thể. Các em không cần phải ôn luyện tại các "lò" hay trung tâm luyện thi. Với quy trình ra đề mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã, đang và sẽ áp dụng, sẽ không có bất kỳ thầy cô nào tạo được quyền năng hay giữ bí quyết luyện thi nhờ tham gia ra đề thi.
Những điều cần lưu ý về Kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Thông tin về đề thi Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, GS. Nguyễn Văn Minh cho hay: Đề thi có 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, còn lại là tự luận. Riêng môn Ngữ văn (phần tự luận 70%, trắc nghiệm 30%). Do đó về hình thức, thí sinh sẽ không quá lạ lẫm.
Việc giữ đến 70% trắc nghiệm trong đề thi các môn bởi học sinh ở phổ thông thường làm quen với việc thi trắc nghiệm, trừ môn Văn. Còn 30% tự luận sẽ đánh giá về khả năng hiểu và trình bày cho người khác hiểu của thí sinh. Đó là một trong những điều kiện ban đầu cần thiết đối với một giáo sinh và trong tương lai trở thành giáo viên.
Thí sinh lựa chọn đăng kí một số bài thi trong các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Nội dung các bài thi đánh giá năng lực tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi bài thi từ 60 đến 90 phút. Hiện Trường Đại học Sư phạm đã công bố đề thi minh họa để thí sinh tham khảo.
Thời gian đăng ký dự thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là từ 20/2 đến 9/4, lệ phí thi mỗi môn là 160.000 đồng. Lịch thi ngày 6/5. Kết quả thi được thông báo trước 1/6, sau đó là danh sách thí sinh trúng tuyển. Thí sinh có thể đăng ký địa điểm thi tại trụ sở của trường ở Hà Nội và Bình Định.
Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn sử dụng bốn phương thức xét tuyển khác, gồm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng thí sinh thi học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục mầm non - Sư phạm Tiếng Anh. Tổng chỉ tiêu khoảng 7.000.