Lọc ảo 6 lần để xác định nguyện vọng trúng tuyển đại học
Thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc thanh toán lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai công tác lọc ảo.
Việc lọc ảo được thực hiện 6 lần trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8.
Ở mỗi lần lọc ảo, phần mềm xét tuyển sẽ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống.
Căn cứ dữ liệu này, các trường đại học sẽ điều chỉnh điểm chuẩn trúng tuyển và danh sách thí sinh cho sát với chỉ tiêu, rồi tải lên hệ thống để tiếp tục lọc.
Lần lọc ảo thứ 6 sẽ hoàn thành vào 16h ngày 17/8. Các nhà trường sẽ tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.
Trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1, năm 2024.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 chậm nhất là 17h ngày 19/8.
Quy tắc lọc ảo diễn ra như thế nào?
Về quy tắc lọc ảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hệ thống sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên và năng lực của thí sinh. "Thí sinh nào có điểm trúng tuyển cao hơn thì chắc chắn sẽ đỗ không phụ thuộc vào xếp vào nguyện vọng thứ mấy. Các em sẽ đỗ vào nguyện vọng duy nhất và cao nhất.
Đối với hình thức xét tuyển sớm nếu học sinh đã được thông báo trúng tuyển thì chắc chắn sẽ đỗ ngay cả khi xếp nguyện vọng đó cuối cùng. Thứ tự nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng, vì các em sẽ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, cao nhất, được ưu tiên nhất".
Năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp THPT), tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái.
Trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực, thí sinh đăng ký nhiều nhất vào nhóm kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ. Theo sau là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, sư phạm. Đặc biệt, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số nguyện vọng tăng 85% so với năm ngoái (tương đương 200.000 nguyện vọng).