Hà Nội

Hiệu quả từ phối hợp thuốc mới trong điều trị ung thư tuyến tụy

08-08-2021 16:21 | Thông tin dược học

SKĐS- Liệu pháp mới kết hợp 3 loại thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư tuyến tụy.

Hiệu quả từ phối hợp thuốc mới trong điều trị ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy nguy hiểm thế nào?

Ung thư tuyến tụy là một trong những dạng ung thư nguy hiểm nhất. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân chỉ ít hơn 10% trong vòng 5 năm.

Các liệu pháp hóa học thường có hiệu quả trong khoảng thời gian đầu, nhưng sau đó các khối u tuyến tụy dần trở nên kháng thuốc. Ung thư tuyến tụy cũng được chứng minh là khó điều trị bằng các phương pháp mới như liệu pháp miễn dịch.

Hiện không có nhiều lựa chọn trong việc điều trị ung thư tuyến tụy, bởi đây là một căn bệnh nguy hiểm về mặt lâm sàng.

photo-1628403698078

Ung thư tuyến tụy là một dạng ung thư nguy hiểm nhất.

Liệu pháp miễn dịch trong loại bỏ khối u

Hệ thống miễn dịch của cơ thể chứa các tế bào T có chức năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào biểu hiện protein ung thư. Nhưng hầu hết các khối u lại tạo ra một môi trường ức chế miễn dịch cao làm vô hiệu hóa các tế bào T này để chúng có thể tồn tại được.

Liệu pháp ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (phương thức trị liệu miễn dịch phổ biến nhất hiện đang được sử dụng trên lâm sàng) hoạt động bằng cách loại bỏ tín hiệu ức chế hoạt hóa của các tế bào T, tái hoạt hóa để chúng có thể tiêu diệt các khối u.

Liệu pháp miễn dịch đã cho thấy thành công trong việc điều trị nhiều loại ung thư, nhắm vào sự tương tác giữa PD-L1, một protein xuyên màng, có mặt tại màng tế bào ung thư và thụ cảm PD-1 có mặt trên bề mặt tế bào miễn dịch, chẳng hạn như tế bào T.

Khi PD-L1 gắn với thụ thể PD-1 gây ra hiện tượng bất hoạt động của tế bào T khiến khả năng miễn dịch của nó bị ức chế. Thuốc ngăn chặn PD-L1 hoặc PD-1, còn được gọi là chất ức chế trạm kiểm soát "checkpoint". Do đó hệ miễn dịch của tế bào T được kích hoạt và tấn công tế bào ung thư.

Dù phương pháp này đã phê duyệt để điều trị các bệnh ung thư như ung thư hắc tố da và ung thư phổi, chúng chỉ có rất ít tác dụng đối với các khối u tại tuyến tụy.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự thất bại trong điều trị này có thể do những khối u ở tuyến tụy không biểu hiện nhiều protein ung thư (còn gọi là những kháng nguyên đột biến neoantigen),dẫn đến tế bào T dù đã bị kích thích bởi các chất ức chế chốt kiểm soát miễn dịch, nhưng chúng vẫn không thể xác định và tiêu diệt được các tế bào khối u.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng nhiều khối u tuyến tụy trên thực tế vẫn biểu hiện các kháng nguyên đột biến neoantigen đặc hiệu ung thư. Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng có lẽ có một loại chốt kiểm soát miễn dịch khác ngoài hệ thống PD-1 / PD-L1, đã vô hiệu hóa tế bào T ở những bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang phát triển một liệu pháp miễn dịch mới cho thấy hiệu quả trong việc loại bỏ các khối u tuyến tụy ở chuột.

Nghiên cứu sử dụng mô hình chuột mắc ung thư tuyến tụy phát hiện ra rằng trên thực tế, PD-L1 không được biểu hiện nhiều trên các tế bào ung thư tuyến tụy mà thay vào đó là một protein có tên CD155, kích hoạt thụ thể TIGIT trên tế bào T.

photo-1628403700344

Trong khối u tuyến tụy này, các tế bào T (màu hồng) đã thâm nhập vào các tế bào khối u (có nhãn màu xanh lá cây) sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch kết hợp mới.

Khi TIGIT được kích hoạt, các tế bào T sẽ rơi vào trạng thái "bất hoạt", khiến chúng không thể tấn công vào các tế bào khối u tuyến tụy. Khi tiến hành phân tích khối u được loại bỏ từ bệnh nhân ung thư tuyến tụy, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy biểu hiện của TIGIT và sự bất hoạt tế bào T trên khoảng 60% bệnh nhân, đồng thời, họ cũng phát hiện nồng độ CD155 cao bất thường trên những tế bào khối u của bệnh nhân.

Con đường CD155 / TIGIT có cơ chế hoạt động tương tự với hệ thống kiểm soát miễn dịch PD-L1 / PD-1 đã được thiết lập. Thụ thể TIGIT biểu hiện trên bề mặt các tế bào T, đóng vai trò như một trạm kiểm soát miễn dịch của tế bào đó. Khi một tế bào T dương tính với TIGIT gặp bất kỳ tế bào nào biểu hiện mức CD155 cao, nó sẽ truyền tín hiệu ức chế miễn dịch cho tế bào T đó.

Hiệu quả của sự phối hợp thuốc trong điều trị

Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu có thể tái hoạt hóa các tế bào T đã "bất hoạt" và kích thích chúng tấn công các tế bào khối u tuyến tụy hay không. Nghiên cứu tiến hành thử nghiệm phối hợp 3 loại thuốc: Chất ức chế PD-1, chất ức chế TIGIT và kháng thể chủ vận CD40.

Các kháng thể chủ vận CD40 - một số kháng thể hiện đang được đánh giá lâm sàng trong điều trị ung thư tuyến tụy, có vai trò trong việc kích hoạt các tế bào T và điều khiển quá trình thâm nhập của chúng vào các khối u. Trong các thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu của MIT phát hiện ra rằng các loại thuốc ức chế PD-1 ít có tác dụng trên tế bào ung thư tuyến tụy. Đồng thời, khi phối hợp kháng thể chủ vận CD40 với chất ức chế PD-1 hoặc chất ức chế TIGIT chỉ có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u ở một số động vật, nhưng về cơ bản lại không làm thu nhỏ khối u.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các kháng thể chủ vận CD40 với cả chất ức chế PD-1 và chất ức chế TIGIT lại cho thấy những tín hiệu khả quan. Các khối u tuyến tụy co lại ở khoảng 50% số động vật thí nghiệm, 25% tổng số chuột có các khối u biến mất hoàn toàn. Hơn nữa, các khối u không mọc lại sau khi ngừng điều trị.

Các nhà nghiên cứu cho hay, kết quả này đã chỉ ra những liệu pháp mới tiềm năng trong điều trị căn bệnh ung thư nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phân tích loại khối u tuyến tụy nào có đáp ứng tốt nhất với sự phối hợp thuốc này. Đồng thời, tiến hành thử nghiệm các nghiên cứu sâu hơn trên động vật để xem liệu chúng có thể tăng hiệu quả điều trị vượt quá 50% như trong nghiên cứu này hay không.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cuộc gọi cầu cứu lúc 3h sáng và cái kết tựa như mơ ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh


DS. Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn