Trong 40 năm qua, Nhật Bản được đánh giá là một trong những nhà tài trợ góp phần đáng kể vào thành quả của ngành y tế Việt Nam, tiêu biểu như những dự án, chương trình hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong đó phải kể đến những dự án hợp tác tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện.
Tăng cường dịch vụ KCB - lời giải cho tình trạng quá tải BV
Theo đánh giá của JICA, mặc dù ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng ngành y tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, sự thiếu hụt nhân lực y tế, phân bố không đồng đều giữa các khu vực (đồng bằng và miền núi), giữa tuyến trên và tuyến dưới, hay tình trạng quá tải bệnh viện vẫn là một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong ngành y tế hiện nay, nó không chỉ xảy ra ở cấp trung ương mà ở nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng quá tải.
Tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (BVĐKHB), những năm trước, tình trạng quá tải do bệnh nhân tuyến xã, huyện ồ ạt vượt lên tuyến tỉnh lên tới 150%. Nhưng nhờ sự hỗ trợ từ JICA với các dự án hợp tác kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ đã giúp BVĐKHB giải quyết rất hiệu quả và thành công vấn đề quá tải bệnh viện. Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐKHB cho biết: “Những loại bệnh thông thường hiện không còn tình trạng quá tải”.
Bộ Y tế chính thức nhân rộng mô hình của Hòa Bình ra 5 tỉnh Tây Bắc thông qua dự án Tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh tại các tỉnh Tây Bắc với tổng ngân sách khoảng 251 triệu yên Nhật (tương đương 3,2 triệu USD). |
Nhìn thấy được những thành công từ tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế chính thức nhân rộng mô hình của Hòa Bình ra 5 tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái thông qua dự án Tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh tại các tỉnh Tây Bắc với tổng ngân sách khoảng 251 triệu yên Nhật (tương đương 3,2 triệu USD). Có được những thành quả như ngày hôm nay là do BVĐKHB đã thực hiện thành công giai đoạn 1 của dự án từ năm 2004-2009 với việc cho ra đời mô hình chuyển tuyến bệnh nhân giữa huyện – tỉnh và ngược lại được củng cố với việc thực hiện chia sẻ thông tin hai chiều, tổ chức họp giao ban chuyển tuyến định kỳ giữa bệnh viện tỉnh và các bệnh viện huyện nhằm rút kinh nghiệm về các hoạt động chuyên môn, hoạt động đào tạo cho cán bộ y tế được thực hiện bài bản, với 141 khóa đào tạo và 1.014 lượt người tham gia. BVĐKHB đã thực sự trở thành một điểm sáng trong việc ứng dụng hiệu quả các nguồn tài trợ.
Một mô hình cần được nhân rộng
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Mô hình chuyển tuyến tại BVĐKHB góp phần nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, giúp người dân tuyến dưới tiếp cận được các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Mô hình này giúp nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các cán bộ y tế tuyến huyện, nghiên cứu khoa học, quản lý chuyển tuyến, cập nhật thông tin, trao đổi thông tin giữa các tuyến…. Mô hình này cần nhân rộng đối với các tỉnh có cùng điều kiện kinh tế xã hội”.
Từ một dự án hợp tác giữa Bộ Y tế và JICA, nay đang được Bộ Y tế nghiên cứu phát triển xây dựng thành Thông tư về chỉ đạo tuyến và Thông tư về chuyển tuyến áp dụng thực hiện trong cả nước. Đây cũng là niềm mong ước của những người đã và đang góp phần làm nên thành công cho sự hợp tác về y tế giữa Việt Nam - Nhật Bản. Cố vấn trưởng dự án JICA Doi Masahiko cho rằng: “Hiện có rất nhiều bệnh nhân tin tưởng đến BV Hòa Bình khám chữa bệnh, điều đó chứng tỏ dự án rất có hiệu quả. Theo kết quả khảo sát trước đây người dân địa phương cho rằng nếu phải đến bệnh viện này chỉ có chết, nhưng nay người dân địa phương đã đến khám rất đông, điều đó thể hiện sự tin tưởng của người dân vào năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện”.
BVĐKHB đã huy động các nguồn lực hiện có với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ dần dần tạo dựng được cơ sở vật chất, nâng cao trình độ không chỉ cho cán bộ trong bệnh viện mà cả các cán bộ tại các bệnh viện địa phương. BVĐKHB đã và đang lấy lại niềm tin của người dân địa phương để người dân tin tưởng đến với cơ sở điều trị ban đầu của họ. Với phương châm “giúp các bệnh viện tuyến dưới chính là giúp bệnh viện mình, tất cả các bên tham gia đều có lợi, kể cả người bệnh”, BVĐKHB chính là một điển hình đi đầu trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tỉnh Tây Bắc. Đúng như lời ông Trương Quý Dương Giám đốc BVĐKHB chia sẻ: “Chúng ta cùng lúc có nhiều giải pháp đồng bộ từ điều chỉnh chính sách, tăng cường năng lực cho các bệnh viện các tuyến đến gây dựng lòng tin cho người bệnh, thì chắc chắn người dân sẽ có được sự chọn lựa đúng đắn nhất, hợp lý, bệnh nặng thì phải chuyển tuyến trên và sự chuyển tuyến này phải được đánh giá rất khoa học, làm sao những bệnh đáng điều trị tuyến dưới phải được điều trị tuyến dưới, còn những bệnh cần được chuyển cũng phải được chuyển kịp thời và an toàn”.
Hải Yến