Hiệu quả trồng dược liệu từ vùng đệm rừng quốc gia
Chia sẻ với Báo sức khỏe và Đời sống khi gửi hồ sơ tham dự lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", hộ gia đình ông Phan Đình Thuận (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho biết, gia đình chuyển đổi sang trồng cây dược liệu cà gai leo từ năm 2018.
Ông Phan Đình Thuận cho hay, năm 2018, Công ty CP dược liệu Pù Mát đến vận động trồng cây cà gai leo theo chuỗi liên kết, gia đình đã mạnh dạn đăng ký trồng 0,5ha và vận động được 25 hộ trong thôn trồng với tổng diện tích 1,5ha.
Sau 6 tháng trồng, chăm sóc các hộ gia đình tại đây nhận thấy cây cà gai leo khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên đạt năng suất tới 18 tấn/ha/lần thu hoạch. Sau 3 lần thu hoạch/năm thì gia đình có lãi tới hơn 14,7 triệu đồng/sào/năm.
"Đây là cây đem lại thu nhập rất cao so với các cây hoa màu tại địa phương. Nhận thấy lợi ích từ điều này, gia đình tôi vận động thêm các hộ trong thôn trồng và trở thành vùng nguyên liệu ổn định cung ứng cho công ty. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 60 hộ trong thôn cùng trồng cây cà gai leo với tổng diện tích gần 25ha", ông Phan Đình Thuận nói.
Theo ông Thuận, việc phát triển cây dược liệu cà gai leo giúp các hộ gia đình sinh sống ở vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát không còn khai thác rừng mà chuyển sang hướng mới là nuôi trồng và bảo vệ các loại cây dược liệu quý hiếm. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế, bảo vệ thiên nhiên mà còn tạo ra sản phẩm sức khỏe cho con người.
Cây dược liệu cho thu nhập cao hơn 150%
Chia sẻ với chúng tôi, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Ninh (trú tại bản Nga Ba Kim – Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho hay, gia đình hiện có 4,7ha trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp dùng để trồng cây dược liệu. Hiện gia đình đang bảo tồn được một số nguồn giống cây thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, lan kim tuyến…
Hiện gia đình tham gia chuỗi liên kết với vai trò là thành viên liên kết thuộc chuỗi mô hình liên kết được quy định khi triển khai dự án "Trung tâm giống dược liệu quý" tại địa phương. Khi tham gia chuỗi liên kết này, hộ gia đình ông Ninh cam kết sử dụng đất và lao động của mình hợp lý để trồng dược liệu tham gia vào dự án; Cùng chủ trì liên kết sản xuất dược liệu theo thoả thuận liên kết; Trồng, chăm sóc thu hái dược liệu tuân thủ theo đúng hướng dẫn của quy trình kỹ thuật được thống nhất dưới sự giám sát, hướng dẫn của kỹ thuật viên công ty…
Hiện tại hộ gia đình đã bảo tồn được một số giống lan kim tuyến quý có giá trị kinh tế cao. Đã triển khai trồng 500m2 làm thương phẩm và đạt kết quả tốt. Thu nhập từ vườn lan kim tuyến cao hơn so với trồng lúa khoảng 150%. Ngoài ra hộ gia đình cũng đã triển khai trồng thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai châu, do chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây lên đều, tốt. Bước đầu đem lại hiệu quả cao 60-75% so với trồng cây lương thực.
Trong khi đó, hộ gia đình ông Lù A Chu (Thôn Na Háng Tử Chử, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) bắt đầu trồng dược liệu từ năm 2019 với cây sâm Lai Châu và cây thất diệp chi hoa. Sau nhiều năm canh tác, các cây dược liệu của gia đình ông Lù A Chu có tuổi đời từ 2-3 năm và đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Lù A Chu cho biết, nhờ chuyển đổi cây trồng thất diệp nhất chi hoa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Nhờ vậy, gia đình có kinh tế tốt hơn, có tiền để xây nhà, mua xe máy, có tiền tiết kiệm…
Đêm 21/12, lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" sẽ được tổ chức long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.
Tại buổi lễ, hơn 40 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong công cuộc trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi sẽ được vinh danh. Buổi Lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam và hệ sinh thái Báo Sức khỏe và Đời sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chương Trình Vinh Danh Vì Sự Phát Triển Dược Liệu Việt | SKĐS