Hà Nội

Hiệu quả từ công tác phục hồi chức năng

11-12-2018 09:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chẳng phép thuật, chẳng thần tiên, nhờ kỹ năng truyền đạt từ các y, bác sĩ ở Bệnh viện Phục hồi chức năng (BV PHCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều trường hợp bị tai nạn hay tai biến đột qụy đã “phục hồi” hiệu quả các chức năng của mình.

Tập nói cho người cao tuổi

Cách đây ba năm, bác Nguyễn T. (68 tuổi, xa Phú Thượng, Phú Vang) bị đột quỵ sau giấc ngủ trưa. Người thân đưa bác vào viện, được bác sĩ kiểm tra, chỉ định phải phẫu thuật động mạch cảnh vì có nhiều mảng xơ vữa. Ca phẫu thuật thành công nhưng khiến bác T. bị liệt dây thanh, không nói được kèm theo rối loạn nuốt dẫn đến sinh hoạt hàng ngày khó khăn. Với bác T., đó là cảm giác tồi tệ, bức bối. Sau nhiều tháng chữa trị nhiều nơi không mang lại kết quả, bác T. được bà con giới thiệu đến BV PHCN tỉnh.

Bác T. đang nói theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên ở BV PHCN tỉnh.

Một ngày đầu năm 2017, BV PHCN tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn T. Hiểu rõ bệnh tình và mong muốn của người thân ngoài chuyện đi đứng là phải tìm lại giọng nói. Thế là kỹ thuật viên (KTV) Mai Thị Bảo Trâm với sự chỉ đạo của cử nhân Nguyễn Văn Hàn, Phó khoa PHCN lên lịch, hướng dẫn bác T. thực hiện các bài tập âm ngữ trị liệu...

“Tôi biết đến BV PHHCN hơn 18 tháng nay, nhưng thời gian điều trị ở đây chỉ gần 1 năm. Ban đầu mỗi ngày hơn 30 phút sau khi kết thúc việc luyện tập đi đứng, KTV xung điện quanh vùng cổ để kích thích dây thanh của tôi, cho tôi tập thổi bong bóng, tập hít thở để giữ hơi. Vài tuần sau mới bắt đầu luyện thanh. KTV Bảo Trâm cho tôi đọc số từ 1 đến 10, rồi đọc bảng chữ cái như các em bé mới bắt đầu bập bẹ học nói” - bác T. chia sẻ.

Hành trình như thế suốt mấy tháng ở Khoa PHCN, các KTV thay nhau giúp bác T. đếm số, đọc chữ cái. Dần dần, những từ đơn, từ ghép ngắn, dài lần lượt được phát ra từ miệng bệnh nhân. Bác T. bắt đầu gọi tên từng người trong nhà, nói những câu đơn giản. Lúc cảm thấy nói được câu nhiều từ, câu đầu tiên bác T. thốt lên "Na ơi, ba nói được rồi" (Na là tên con gái của bác T.). "Lúc đó, mọi bế tắc trong người đều xua tan. Tôi như được sống lại trên đời này lần hai". Bác T. xúc động kể lại.

Trường hợp khác là anh Phạm Phước T., 58 tuổi, phường An Cựu, TP. Huế, làm nghề lái xe bị tai biến mạch máu não từ năm 2015. Di chứng để lại cho là anh là liệt cánh tay phải, nói ngọng. Sau biến chứng ấy được người thân hàng ngày đưa đến BV PHCN để tích cực luyện âm, tập nói. Chị Võ Thị Bích Thoa, vợ anh T. chia sẻ sau khi bị tai biến, bác sĩ bảo chồng chị có vết sẹo nhỏ làm chèn máu lên não, ảnh hưởng đến vùng ngôn ngữ. Anh T. có thể nhận thức được nhưng không diễn đạt thành lời. "Gần hai năm, nhờ các y, bác sĩ ở đây hướng dẫn chỉ bảo, anh T. cũng nói bập bẹ và bắt đầu đọc chữ tròn trịa rồi". Chị Thoa nói.

Kiên trì và chia sẻ

Hàng tháng, BV PHCN đón nhận hàng chục bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ với nhiều di chứng khác nhau nhưng phần lớn là những bệnh lý liên quan đến rối loạn nuốt và mất ngôn ngữ (rối loạn lời nói, mất điều khiển hành vi của lời nói, rối loạn về giọng nói, hoặc các bệnh lý có liên quan đến phẫu thuật vùng cổ, vòm cổ...). Bệnh nhân phần lớn là lớn tuổi, sau khi bị tai biến mạch máu não hoặc bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não...

Cử nhân Nguyễn Văn Hàn cho biết, mỗi bệnh lý sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Những phác đồ điều trị được đưa ra để điều trị giúp bệnh nhân tăng khả năng hiểu, diễn đạt bằng lời, bằng chữ viết để bệnh nhân hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Với những hình ảnh trực quan, như đồ dùng, vật dụng, các loại trái cây... chúng tôi sẽ luyện lặp đi lặp lại để bệnh nhân lấy lại được mẫu vận động của miệng. Đồng thời, hỗ trợ thêm vật lý trị liệu, xung điện, châm cứu liên quan đến vận động lời nói, khơi dậy khả năng của bệnh nhân.

Đơn cử như bệnh nhân Võ Văn Q. đang điều trị tại khoa (41 tuổi ở Thủy Lương, Hương Thủy) bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thượng sọ não làm anh bị rối loạn phát ngôn thể co cứng. Anh Q. có thể tiếp nhận thông tin tốt qua nghe, đọc nhưng không thể truyền đạt lại suy nghĩ của mình, hoặc có thể nói được những từ đơn nhưng phải có người khác “mớm” những từ đầu tiên. Vì vậy, muốn phục hồi âm ngữ cho anh Q. đòi hỏi các KTV phải kiên trì, nhẫn nại, có nhiều cách làm sáng tạo. Quá trình điều trị cần nhẹ nhàng để tạo cảm giác vui vẻ cho người bệnh.

KTV Mai Thị Bảo Tâm cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận, điều trị từ 15-20 bệnh nhân. Các KTV trong khoa không có gì vui, hạnh phúc hơn khi giúp người bệnh tìm lại được giọng nói đã bị “thất lạc” lâu ngày. Có nhiều bệnh nhân ở xa, nghèo khó nhưng những người con ròng rã nhiều năm đưa cha mẹ đi điều trị. Khi lành bệnh, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc. Chứng kiến cảnh đó, anh em ở khoa càng tin yêu công việc để góp phần mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân.

Theo TTƯT, bác sĩ cao cấp Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc BV PHCN tỉnh, bình quân mỗi tháng BV đón điều trị từ 100-120 bệnh nhân bị tai biến đột quỵ để PHCN; trong đó, phục hồi lại giọng nói. Qua phác đồ điều trị đúng, tỷ lệ phục hồi chức năng cho người tai biến đạt từ 70-80%; đặc biệt phục hồi giọng nói đạt hơn 90%. Sự thành công này nhờ BV chú trọng đào tạo sâu chuyên môn ngành âm ngữ trị liệu; đặc biệt từ năm 2015 đến nay, các y, bác sĩ trong BV thường nắm bắt trao đổi, thực hành chuyên môn ngành âm ngữ trị liệu với các chuyên gia, KTV đến từ Úc, Mỹ, Nhật Bản...

Minh Phái
Ý kiến của bạn