Từ năm 1933 người ta đã biết rằng những súc vật còn sống sau khi tiêm một liều đủ lớn virus viêm não Nhật Bản (VNNB) hoang dại là chúng được miễn dịch. Sự phát hiện này đã gợi ý rằng vaccin đã đem lại tính miễn dịch để có thể phòng bệnh đặc hiệu ở người.
Loại vaccin được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay có chứa virus VNNB bất hoạt chế từ não chuột hoặc từ tổ chức nuôi cấy tế bào thận tiên phát của chuột đất vàng (hamster) còn bú. Loại vaccin VNNB tái tổ hợp cũng đang được phát triển hiện nay.
Gây miễn dịch cho lợn
Việc gây miễn dịch cho lợn để ngăn chặn sự lây truyền virus VNNB trong tự nhiên đã được thực hiện ở một vài nơi tại Nhật Bản. Số người mắc VNNB đã giảm rõ rệt. Mặc dù số mắc bệnh ở đây còn phải được bàn luận, nhưng không có trường hợp nào chết vì VNNB được thông báo sau khi tiêm vaccin cho lợn. Chủng virus vaccin này được phát triển cho mục đích đặc biệt để gây miễn dịch cho lợn và có được một vài đặc tính sinh học khác biệt với chủng độc lực gốc như là giảm độc lực cho chuột, không gây nhiễm virus huyết cho lợn và hạn chế sự nhân lên của chủng virus trong muỗi vectơ. Tuy nhiên, việc gây miễn dịch cho lợn còn có những tồn tại:
- Hầu hết lợn từ 6-8 tháng tuổi thì đưa vào lò mổ, như vậy tỷ lệ luân chuyển đàn lợn cao và đòi hỏi phải gây miễn dịch cho đàn lợn con mới đẻ hàng năm trước mùa dịch VNNB.
- Vaccin VNNB sống giảm độc lực để gây miễn dịch cho lợn sẽ không tiêm cho lợn con vì chúng còn có kháng thể mẹ cho tới khoảng 6 tháng tuổi. Điều đó đã thu hẹp thời kỳ gây miễn dịch cho lợn. Do đó gây miễn dịch cho lợn chỉ được thực hiện rất hạn chế một số nơi ở Nhật Bản. Ở những vùng nhiệt đới thì sự lây truyền của virus VNNB trong suốt năm. Vì thế sẽ có nhiều khó khăn để xác định thời gian thích hợp gây miễn dịch cho lợn.
Gây miễn dịch cho người
Vaccin VNNB bất hoạt chế từ não chuột
Vaccin này đã được thử nghiệm trên người ở Nhật Bản vào những năm cuối thập kỷ 30 và được phép sử dụng từ 1954. Việc cải tiến sự tinh khiết virus vaccin bằng protamin sulfat đã được thực hiện từ năm 1958. Vaccin có giá trị để thương mại hóa ở Nhật Bản từ năm 1962. Hiện nay vaccin này được tinh khiết rất cao, có giá trị sử dụng ở Nhật Bản và nhiều nước Asian khác từ năm 1968.
Vaccin VNNB được sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và bước đầu sản xuất ở Việt Nam. Chế phẩm cuối cùng của vaccin VNNB là hạt virus VNNB cực kỳ tinh khiết. Vaccin ít nhất có chứa 3 loại protein virus bao gồm protein E, protein tiền M/ M và protein C. Những thực nghiệm trên chuột cho biết kháng thể đơn dòng kháng protein E hoặc miễn dịch chủ động với glycoprotein vỏ gốc tự nhiên hoặc tái tổ hợp sẽ cho miễn dịch bảo vệ trên các súc vật thí nghiệm.
Hiệu lực của vaccin đã được chứng minh bằng thử nghiệm ở Đài Loan năm 1971. Kết quả này chứng tỏ rằng chỉ cần tiêm 2 liều vaccin VNNB bất hoạt là có hiệu lực để phòng bệnh.
Năm 1988 Hoke và cộng sự đã thử nghiệm hiệu lực vaccin Biken tinh khiết cao loại đơn kháng nguyên chủng Nakayama-Yoken và loại phối hợp 2 kháng nguyên chủng Nakayama-Yoken và Beijing-1 có nhóm đối chứng dùng placebo. Kết quả hiệu lực bảo vệ của cả 2 loại vaccin đơn giá và nhị giá là 91%. Không xảy ra những tai biến chủ yếu nào sau khi tiêm vaccin trừ các phản ứng phụ như đau đầu, đau nơi tiêm, có nốt ban và sưng nơi tiêm tương tự như nhóm tiêm placebo.
Những chứng minh khác về hiệu lực tiêm vaccin VNNB ở Nhật Bản là sự thay đổi tỷ lệ mắc bệnh VNNB theo tuổi giữa 2 thời kỳ trước và sau khi tiêm vaccin. Số liệu năm 1955, khi vaccin VNNB chưa được tiêm rộng rãi ở Nhật Bản, đã chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở trẻ 5-9 tuổi, tiếp đến trẻ 1-4 tuổi. Đến năm 1967 thì tỷ lệ mắc bệnh đã giảm xuống nhiều trong những nhóm tuổi này và nó phản ánh được kết quả mở rộng tiêm vaccin đồng thời làm tăng tỷ lệ mắc bệnh của nhóm tuổi cao hơn.
Thời gian tồn tại miễn dịch sau khi tiêm vacxin VNNB
Theo dõi thời gian tồn tại của kháng thể trung hòa sau khi tiêm vaccin VNNB ở Hokaido, nơi không lưu hành bệnh năm 1970, Kanamitsu và cộng sự đã nhận xét: Mức độ đủ để phòng bệnh của kháng thể trung hòa được tạo ra bởi 2 liều tiêm vaccin cách nhau từ 1 tuần đến 1 tháng. Hiệu giá kháng thể giảm từ từ đến mức độ giới hạn của miễn dịch bảo vệ là trên 1:10 sau 1 năm. Hiệu giá kháng thể lại được tăng nhanh rõ rệt sau khi tiêm nhắc lại 1 liều bổ sung và sau đó mức độ miễn dịch bảo vệ được duy trì ít nhất là 3 năm. Từ kết quả nghiên cứu trên ở Nhật Bản hiện nay người ta khuyến nghị tiêm vaccin VNNB để tạo miễn dịch cơ bản bằng 2 liều tiêm cách nhau từ 1-4 tuần và tiêm nhắc lại 1 liều bổ sung sau 1 năm. Sau đó tính miễn dịch bảo vệ được duy trì bằng cách cứ 3-4 năm lại tiêm nhắc lại 1 liều bổ sung.
Tính an toàn của vaccin VNNB
Vaccin VNNB tinh khiết đã được đánh giá hiệu lực và an toàn ở Mỹ (1997). Kết quả đã chỉ ra rằng tỷ lệ đáp ứng kháng thể trung hòa đạt 77% ở những người được tiêm 2 liều vaccin cách nhau từ 1 đến 2 tuần, tỷ lệ đó tăng lên 99% sau khi tiêm liều bổ sung thứ 3 cách liều thứ 2 từ 6-12 tháng. Các phản ứng sau khi tiêm được thông báo là: đau nơi tiêm (18%), đau đầu (9%), nổi ban (6%), sưng nơi tiêm (3%) và gần 5% có các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn ớn lạnh, sốt và đau thắt lưng. Kết quả nghiên cứu này Poland và cộng sự (1990) đã khuyến nghị phải tiêm 3 liều vaccin cho người cảm nhiễm ở nơi lưu hành virus VNNB cũng như cho những người du lịch tới vùng châu Á lưu hành bệnh.
Vaccin VNNB bất hoạt chế từ nuôi cấy tế bào
Năm 1967, Trung Quốc đã sản xuất vaccin VNNB bất hoạt bằng formalin từ tổ chức nuôi cấy tế bào thận chuột đất vàng bị nhiễm virus. Loại vaccin này đã được Darwish và Hammon mô tả từ năm 1966 và sản xuất một lượng lớn từ 1968 với chủng virus vaccin VNNB P3. Viện Sinh phẩm sinh học Bắc Kinh đã sản xuất được 10 triệu liều năm 1968. Vaccin này cho thêm 0,1% albumin người để làm ổn định được hơn 2 năm ở 2oC-8oC. Kết quả giám sát dịch tễ học sau khi tiêm loại vaccin này cho thấy hiệu lực miễn dịch bảo vệ đạt từ 76-94%.
Ủy ban tư vấn chuyên môn của TCYTTG đề nghị tiêu chuẩn hóa cho cả 2 loại vaccin bất hoạt của Nhật Bản và của Trung Quốc vào năm 1987. Một số biện pháp đã được tập trung để Trung Quốc áp dụng sản xuất vaccin này và sau đó tiếp tục thử nghiệm trên thực địa. Kết quả thử nghiệm đạt được 100% biến đổi huyết thanh miễn dịch bằng thử nghiệm kháng thể trung hòa.
Vaccin sống giảm độc lực
Để bổ sung cho nhu cầu vaccin VNNB, Trung Quốc đã phát triển chủng virus vaccin VNNB sống giảm độc lực bằng cấy truyền nhiều lần trên tổ chức nuôi cấy tế bào thận khỉ chuột đất vàng và tinh khiết các mảng đám hoại tử. Chủng virus vaccin được sử dụng là SA-14-14-2 của Trung Quốc. Người ta nghĩ rằng chủng virus này gây miễn dịch nhiều hơn chủng SA-14-14-3. Chủng virus vaccin SA-14-3 đã được dùng để sản xuất vaccin và ít nhất đã tiêm cho 5 triệu trẻ. Chủng virus SA-14-14-2 đã được phân lập từ muỗi C. pipiens sau đó cấy truyền 11 lần trên chuột và 100 lần trên tế bào thận chuột đất vàng, lại cấy truyền liên tiếp trên tổ chức tế bào bào thai gà, chuột và chuột đất vàng. Vaccin này đã được chứng minh là an toàn và gây được miễn dịch. Bộ gen di truyền của chủng virus vaccin được kế tiếp và đối chiếu với chủng gốc SA-14. Chủng virus giảm độc lực này cũng được thích ứng với tế bào thận chó tiên phát để giúp cho việc sản xuất vaccin, cải tiến việc kiểm tra chất lượng vaccin và có thể giá thành cũng hạ thấp hơn.
Sự phát triển của vaccin thế hệ thứ hai
Để giải quyết vấn đề tồn tại của việc phòng bệnh VNNB bằng vaccin ở các nước trong khu vực Asian, đặc biệt là cần có 1 vaccin hiệu lực rẻ tiền với số lượng lớn, TCYTTG đã đưa ra việc cần thiết phát triển một loại vaccin VNNB thế hệ thứ 2 bằng cách sử dụng công nghệ tái tổ hợp ADN.
Vì protein kháng nguyên E có tính trung hòa mà người ta đã cố gắng để bộc lộ được gen protein E trong men tái tổ hợp, Escherichia coli, Baculo virus và virus vaccinia. Nói chung các protein được bộc lộ đó đều có tính kháng nguyên gây được miễn dịch và miễn dịch bảo vệ cho cơ thể ở những súc vật nhỏ, trừ gen protein E được bộc lộ từ E. coli tái tổ hợp thì chỉ có tính kháng nguyên duy nhất mà không gây được miễn dịch bảo vệ, tức là không tạo ra được kháng thể trung hòa trên chuột. Năm 1992 Sumoyoshi và cộng sự đã chứng minh rằng: Sự vận động gen của cADN cho phép sản sinh ra những vaccin sống giảm độc lực ổn định. Những tiến triển trong phạm vi nghiên cứu này sẽ có triển vọng tạo ra một vaccin mới có hiệu lực cao, an toàn và kinh tế.
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam và Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực nâng cao tỉ lệ bao phủ vaccin VNNB ở các vùng có nguy cơ cao nhưng so với thực tế, nhu cầu vaccin của TCMR mới chỉ đáp ứng được 50%. Chính vì vậy mong muốn có được mức độ bao phủ miễn phí toàn quốc vaccin VNNB đang là một nhu cầu rất cần thiết.
Ở những vùng có bệnh lưu hành, mức độ mắc cao hơn những vùng khác mà vaccin VNNB được bao phủ, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Hiện nay ngoài TCMR, vaccin VNNB cũng có rất nhiều tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, nếu có điều kiện cần cho trẻ đi tiêm phòng.
ThS. Phạm Quang Thái
|