Hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc ARV ở TPHCM

20-09-2023 15:55 | Y tế

SKĐS - Thời gian qua, TPHCM luôn là địa phương tiên phong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả đặc biệt là việc điều trị HIV bằng thuốc ARV.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), ước tính TPHCM có khoảng 60.000 người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố, chiếm gần 1/4 số người nhiễm HIV trên toàn quốc.

Thuốc ARV là "cứu cánh" để cho người mắc HIV sống khỏe mạnh

ARV là thuốc kháng virus HIV, ức chế sự nhân lên của virus, giúp duy trì nồng độ virus trong máu ở mức dưới ngưỡng phát hiện, qua đó hồi phục hệ thống miễn dịch của người sống chung với HIV.

BS.CKI Dương Minh Hải - Phó Trưởng khoa PC HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính, HCDC cho hay, nếu người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV sớm, uống thuốc đầy đủ và tuân thủ điều trị mỗi ngày thì có thể sống thêm 40 năm giống như một người không mắc HIV. Theo đó, người nhiễm HIV có thể sống, cưới chồng/vợ, sinh hoạt bình thường.

Cũng theo bác sĩ Hải, trong 3-5 năm đầu đời của quá trình nhiễm HIV, người bệnh hoàn toàn không có di chứng gì, giống như người bình thường. Do vậy, nếu không xét nghiệm, người bệnh không thể tự mình phát hiện mình bị nhiễm HIV. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm (3-5 năm tùy người), người bệnh mới phát hiện ra nhiễm trùng cơ hội nặng, phải nhập viện và mới uống ARV, lúc đó tác dụng của thuốc không nhiều.

Hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc ARV ở TPHCM - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh minh họa

Tương tự, BS Nguyễn Anh Phong - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, nếu phát hiện mắc HIV sớm và điều trị bằng thuốc ARV sớm sẽ có 4 giá trị: Thứ nhất là sống lâu, sống khỏe; Thứ hai là không mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội nên hệ miễn dịch không bị suy giảm; Thứ ba là không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội thì sẽ giảm chi phí tiền điều trị; Thứ tư là khi điều trị HIV sớm, người bệnh sẽ điều chỉnh được tải lượng virus, dưới ngưỡng phát triển sẽ không lây truyền qua đường quan hệ tình dục (vợ hoặc bạn tình).

"Nhờ có ARV mà hơn 20 năm qua, TPHCM đã có một "cứu cánh" điều trị hiệu quả cho hơn 60.000 dân nhiễm HIV. Tỷ lệ tử vong và bỏ điều trị thuốc dưới 5%. Thực tế cho thấy, tất cả mọi người mắc HIV nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV thì có thể sinh hoạt, học tập và làm việc như một người bình thường. Và mặc dù thuốc ARV không phải là hoàn hảo nhưng nếu tuân thủ điều trị ARV tốt, sau 6 tháng, tải lượng, nồng độ virus HIV trong máu giảm, gần như là một người bình thường", bác sĩ Dương Minh Hải chia sẻ.

TPHCM tiến đến kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, TPHCM luôn là địa phương tiên phong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả.

Nhờ chủ động và sáng tạo trong các mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS, TPHCM đã giữ bền vững được các kết quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, TPHCM vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như: Độ bao phủ xét nghiệm tải lượng virus HIV thấp, việc tiếp cận nhóm nguy cơ cao vẫn còn thấp, số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu giám sát dịch bệnh thì trong những năm gần đây, quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

BS.CKI Dương Minh Hải - Phó Trưởng khoa PC HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính, HCDC thông tin, một người sống chung với HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu thì không lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.

Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cho thấy việc sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị cho người nhiễm HIV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV.

Để tiến đến kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, TPHCM đưa ra chiến lược, tiếp tục mở rộng điều trị dự phòng và điều trị ARV; tăng cường phát hiện ca nhiễm mới; liên kết vùng; kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV cấp (thực hiện truy vết bạn tình, bạn chích người mới nhiễm HIV).

Một người sống chung với HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu thì không lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục.

Trong khoảng 3 năm gần đây, thành phố tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV để tìm ra các ca nhiễm mới (tức là mới mắc HIV trong vòng 1 năm trở lại) nhằm ngăn chặn kịp thời các chuỗi lây nhiễm mới, từ đó giảm số người mắc mới. Việc tăng cường tư vấn xét nghiệm bạn tình, bạn chích của ca nhiễm mới không chỉ giúp họ được tiếp cận sớm với dịch vụ PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV), ARV mà còn giúp kiểm soát chuỗi lây truyền HIV trong cộng đồng.

BS Nguyễn Anh Phong - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho rằng, ARV được coi là hơi thở của các bệnh nhân HIV. Mọi người có thể ngừng và dừng ăn uống, vui chơi...nhưng không thể dừng thở được. Những người nhiễm HIV phải có ARV.

"Chúng tôi vẫn thường nói với những người nhiễm HIV rằng: Chúng ta hãy tuân thủ dùng ARV bằng mọi giá giống như việc chúng ta giữ gìn hơi thở mỗi ngày", Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, những đứa con của các bà mẹ nhiễm HIV tuân thủ dùng ARV thì sinh ra sẽ khỏe mạnh.

Thực tế tại TPHCM cho thấy, tất cả những bà mẹ mắc HIV mang thai dùng thuốc điều trị ARV thì tỷ lệ lây cho con dưới 2%. Trẻ dưới 15 tuổi điều trị HIV ngày càng giảm, hiện nay chỉ còn khoảng 500 trẻ (trước là hơn 2000 trẻ). Điều này chứng tỏ việc điều trị ARV tại TPHCM rất tốt. Ngay cả những trẻ sinh ra không may nhiễm HIV cũng được điều trị từ nhỏ tại các phòng khám ngoại trú ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và tại một số cơ sở ở quận, huyện.

"Nhờ ARV, các bé này đã vượt qua bệnh tật, sống như một người bình thường", bác sĩ Phong cho hay.

Trước quan niệm chồng nhiễm HIV thì vợ sẽ nhiễm HIV hoặc người mẹ nhiễm HIV thì con cũng bị nhiễm, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho rằng thông tin này không đúng bởi sức khỏe mỗi người khác nhau. Thực tế, người nhiễm HIV uống thuốc ARV đầy đủ, tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu thì không lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Người mẹ điều trị bằng ARV tốt, ổn định rồi thì sẽ không lây truyền sang con.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình rất thành công của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó cho thấy hiệu quả của việc điều trị bằng ARV trong cộng đồng.

"Chúng tôi khuyến khích tất cả các bà mẹ dù có HIV hay không có HIV nên tầm soát xét nghiệm HIV trước và trong khi mang thai. Nếu phát hiện có HIV thì điều trị sớm để không lây truyền cho con", Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM nói.

Điều trị ARV cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và dự phòng lây truyền HIV cho conĐiều trị ARV cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và dự phòng lây truyền HIV cho con

SKĐS - Điều trị ARV càng sớm càng tốt cho phụ nữ mang thai ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, bao gồm trong thời kỳ mang thai, khi chuyển dạ hoặc sau sinh.


Vân Kim
Ý kiến của bạn