Hiệu quả của việc đa dạng các hình thức tuyên truyền về chính sách dân số

28-11-2021 08:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cách làm đó đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tập trung tuyên truyền cho chị em phụ nữ

Trước năm 2018, nhận thức của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện Tràng Định, trong đó có phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế. Cùng với đó là sự tồn tại của nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu nên nhiều người vẫn còn tư tưởng muốn sinh con thứ ba trở lên.

Ông  Đoàn Văn Nghị, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan của huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số và người có uy tín trong cộng đồng để có cách tuyên truyền phù hợp.

Theo bà Hoàng Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tràng Định, xác định phụ nữ là đối tượng chủ yếu, các cấp hội đã tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ, hội viên về pháp lệnh dân số, công tác DS-KHHGĐ gắn với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn", trong đó có gia đình không sinh con thứ ba trở lên. Kết quả hiện tại là 100% cán bộ hội trong độ tuổi sinh không sinh con thứ ba trở lên, gần 5.800 gia đình hội viên đạt chuẩn "5 không, 3 sạch, 3 an toàn".

Là người gần dân, có sự hiểu biết về tập quán cộng đồng dân cư, chị Hướng Thị Thơ, cộng tác viên dân số thôn Bản Phạc, xã Quốc Khánh đã kiên trì vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện đúng chính sách dân số.

Chị Thơ cho biết: Trước đây, thôn vẫn có trường hợp sinh con thứ ba trở lên. Nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề cũng rất muốn sinh thêm để gia đình "có nếp, có tẻ". Nắm bắt được tâm lý của những gia đình này, tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, sinh hoạt các hội đoàn thể và đặc biệt là tiếp cận, tư vấn, vận động tại từng gia đình với phương châm "mưa dầm thấm lâu". Nhờ đó, hầu hết chị em đã thay đổi suy nghĩ, quyết tâm dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Hơn 7 năm nay, thôn không có trường hợp sinh con thứ ba.

Theo số liệu từ năm 2020 đến nay, BCĐ Công tác DS-KHHGĐ huyện đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức được 330 buổi tuyên truyền cho hơn 1.630 lượt người. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền tại trạm y tế các xã, thị trấn, các tổ nhóm, câu lạc bộ, đoàn thể, gia đình được hơn 1.900 buổi với hơn 16.400 lượt người tham gia.

Hiệu quả của việc đa dạng các hình thức tuyên truyền về chính sách dân số - Ảnh 1.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Quốc Khánh nghiên cứu tờ rơi để tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho người dân trên địa bàn.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền mà những năm gần đây, nhận thức của người dân ở huyện Tràng Định về công tác DS-KHHGĐ đã được nâng cao. Chị Bùi Thị Luân, thôn Bản Cáu, xã Đề Thám cho biết: Trước đây, vợ chồng tôi cũng có lúc muốn sinh thêm con trai để cho vui cửa vui nhà. Sau khi được nghe các cán bộ dân số của thôn, xã tuyên truyền rất nhiều về chính sách dân số, các biện pháp KHHGĐ, không sinh con thứ ba, tôi đã quyết tâm dừng lại ở hai con để tập trung thời gian phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình.

Đi đôi với tuyên truyền, cộng tác viên dân số các thôn, bản, khối phố đã đến từng nhà rà soát các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: đặt vòng và dùng bao cao su, thuốc uống tránh thai, que cấy tránh thai… Theo đó hiện tại, toàn huyện có 11.483 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, có 8.862 phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Điểm sáng trong thực hiện công tác dân số

Với các biện pháp thiết thực đó, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở huyện Tràng Định đã đạt được những kết quả tích cực. Trong khi tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của các huyện thường xuyên biến động ở mức cao (bình quân của toàn tỉnh là 11,4%) thì huyện Tràng Định luôn duy trì ổn định với tỷ lệ dưới 5%. Tràng Định là địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên thấp nhất trong 11 huyện, thành phố của tỉnh.

Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện chỉ có 37 phụ nữ sinh con thứ ba, chiếm tỷ lệ 4,4%, giảm 0,1% so với năm 2019 và giảm 0,6% so với năm 2018. 

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan ở Tràng Định tiếp tục khắc phục khó khăn, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Với trên 95% dân số là đồng bào DTTS, gồm 3 xã biên giới và 13 xã ĐBKK, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Tràng Định gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của ngành y tế tỉnh, cùng sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nên công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, ý thức của người dân về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe được cải thiện rõ rệt, nhiều tập tục lạc hậu trong đời sống đã dần được xóa bỏ. Người dân khi ốm đau đã đến cơ sở y tế khám và điều trị, đi khám thai và sinh con tại trạm y tế, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch…

Sơn La: Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ Sơn La: Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ

SKĐS - Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trên các lĩnh vực.

Xem thêm video đang được quan tâm

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Ngọc Hiếu
Ý kiến của bạn