Tuy nhiên, hàng năm trên thế giới vẫn còn 19,4 triệu trẻ em chưa được chủng ngừa. Những thông tin về vắc-xin và tiêm chủng từ những nguồn tin không chính thống là không chính xác, dẫn đến những hiểu lầm không đáng có của các bậc cha mẹ. Hậu quả là một số trẻ không được tiêm chủng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cần hiểu đúng về vắc-xin và đừng bỏ lỡ cơ hội cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh.
Tính an toàn của vắc-xin
Tất cả các loại vắc-xin trước khi sử dụng kể cả vắc-xin dịch vụ hay vắc-xin sử dụng trong TCMR phải được cấp phép lưu hành đều phải đạt được các yêu cầu kiểm tra rất nghiêm ngặt, về tính an toàn và hiệu lực và thường xuyên được đánh giá, theo dõi trong quá trình sử dụng.
Vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Vắc-xin bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, Rubella... Trẻ em và các đối tượng khác không được tiêm chủng dễ bị mắc bệnh, để lại di chứng và thậm chí tử vong.
Với các bệnh truyền nhiễm như sởi, Rubella, viêm gan virut B... hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin là cách chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.
Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thăm và kiểm tra điểm tiêm chủng tại Trạm y tế xã Nghĩa Dõng, Quảng Ngãi. Ảnh: M.Linh
Các vắc-xin phối hợp là an toàn và thuận lợi
Tiêm chủng đồng thời nhiều loại vắc-xin trong thành phần vắc- xin phối hợp không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ, giúp làm giảm sự khó chịu cho trẻ đồng thời tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Khi một đứa trẻ bị cảm thông thường thì chúng còn tiếp xúc với nhiều kháng nguyên hơn là từ vắc-xin.
Nếu chúng ta không tiêm chủng, bệnh tật sẽ quay trở lại
Ngay cả khi vệ sinh và môi trường sống tốt hơn, nguồn nước an toàn và vệ sinh hơn, các bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ lan truyền. Nếu chúng ta không tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm đã không còn phổ biến nữa như bạch hầu, sởi, ho gà, bại liệt sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Năm 2014, dịch sởi bùng phát ở Việt Nam với hàng ngàn ca mắc, trong số đó không ít trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Tại một số địa phương miền núi khó khăn có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn xuất hiện rải rác các ổ dịch nhỏ như dịch bạch hầu tại Bình Phước, dịch ho gà tại Cao Bằng.
Những thành quả đạt được của Việt Nam nhờ vắc-xin trong năm vừa qua
Năm 2016 là năm thứ 17 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh Rubella đã được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc. Năm 2016 là năm ghi nhận tỷ lệ mắc sởi thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với chỉ 46 ca mắc sởi trên cả nước.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi 98,0%, tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai 90,9% và tỷ lệ tiêm vắc-xin uốn ván cho nữ 15-35 tuổi đạt 94,2%, đạt các chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Y tế giao. Tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh 68,0% tương đương so với kết quả năm 2015. Hoạt động tiêm vắc-xin sởi - Rubella và DPT 4 cho trẻ 18 tháng tiếp tục được các địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Số trẻ được tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong năm 2016 đạt tỷ lệ 94,6%. Tiêm bổ sung vắc-xin sởi - Rubella cho đối tượng 16 và 17 tuổi trên toàn quốc đã được triển khai từ tháng 3 đến tháng 6/2016 tại 15.721 điểm tiêm chủng, trong đó có 8.447 điểm tiêm tại trạm y tế và 3.718 điểm tiêm tại trường học. Kết quả có 1.787.588 đối tượng được tiêm vắc-xin sởi - Rubella, đạt tỷ lệ 94,9% và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Chuyển đổi thành công vắc-xin bại liệt 3 týp (tOPV) sang sử dụng vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) từ tháng 6/2016 theo chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.
Công tác giám sát bệnh trong TCMR được tăng cường và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là giám sát bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi. Các phòng thí nghiệm tại các Viện VSDT/Pasteur đã thực sự đóng góp cho công tác chẩn đoán sớm để có hoạt động đáp ứng kịp thời. Công tác an toàn tiêm chủng được tăng cường, hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến được trang bị thêm tủ lạnh và thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động, góp phần tăng cường công tác bảo quản và vận chuyển vắc-xin.
Với những nỗ lực và thành công trên, Chương trình TCMR của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thu hút được sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các Tổ chức quốc tế.