Theo y học cổ truyền, nhiệt miệng, loét miệng là do nhiệt độc, có nghĩa là các yếu tố gây độc tác động tới khoang miệng.
Còn theo y học hiện đại, có rất nhiều nguyên nhân như vệ sinh khoang miệng không tốt, có vi khuẩn yếm khí – cần các vị thuốc, kháng sinh điều trị vi khuẩn yếm khí. Viêm lợi, viêm răng, viêm tuyến nước bọt, hay di truyền cũng là những nguyên nhân gây ra viêm loét, nhiệt miệng. Đôi khi, tình trạng này còn gặp ở phụ nữ trong kì kinh nguyệt, thai nghén hoặc mãn kinh.
Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thượng Dong – Nguyên Viện trưởng Viện dược liệu trong chương trình truyền hình trực tuyến ngày 23/10 do báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống thực hiện với chủ đề "Giải pháp an toàn từ thảo dược cho bệnh viêm loét, nhiệt miệng".
Nếu bệnh viêm loét miệng kéo dài mà không điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ban đầu là cảm giác rất khó chịu, kéo theo mùi khoang miệng rất tệ, thường bị gọi là hôi miệng. Lớp niêm mạc miệng mềm, rất dễ bị tấn công. Nếu không điều trị không kịp thời sẽ dẫn tới các biến chứng như áp xe dưới lưỡi, áp xe khoang miệng thậm chí còn dẫn tới loạn sảng (các tế bào niêm mạc sản sinh vô tội vạ, tạo ra cảm giác rất khó chịu, gây ra tác dụng phụ tới khoang miệng và dạ dày, rất khó điều trị). Một biến chứng nữa là người bệnh cảm thấy khó chịu, bị tê khoang miệng, buồn nôn, mùi khoang miệng gây hội, khiến người bệnh bị tự ti.
Khi sử dụng các vị thuốc đông y để điều trị bệnh viêm loét, nhiệt miệng, người bệnh nên tránh sử dụng các vị thuốc không được trồng, chế biến theo hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và các vị thuốc tạo ra vị cay, nóng cũng không có lợi cho khoang miệng.
Trong các thảo dược thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị viêm loét, nhiệt miệng, đinh hương là vị thuốc có hiệu quả cao. Tinh chất đinh hương có tác dụng đối với vi khuẩn trong khoang miệng, chống được nha chu viêm hoặc tổn thương niêm mạc miệng, chống được sâu răng, viêm chân răng.
Bên cạnh đó, trầu không cũng có tác dụng rất tốt trong phòng, chống viêm loét, nhiệt miệng, giúp khử mùi khoang miệng rất hữu hiệu. Khả năng diệt vi khuẩn yếm khí trong khoang miệng của lá trầu không rất hiệu quả. Ngoài ra bạc hà, đinh hương khi sử dụng cũng giúp khoang miệng dễ chịu hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn với nhiều hoa quả, rau xanh. Nếu bệnh quá kéo dài và trở nặng, nên đi thăm khám chuyên khoa, để biết khoang miệng đang ở hiện tượng viêm ở mức độ nào, để bác sĩ có thể kê đúng loại kháng viêm, kháng sinh điều trị phù hợp.