Hiệu quả của mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các vùng khó khăn

06-10-2015 14:04 | Thời sự
google news

SKĐS- Sáng 6/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm từ mô hình “Trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ y tế tại vùng khó khăn”.

Đây là hoạt động quan trọng và chủ yếu của dự án “Tăng cường giám sát trách nhiệm giải trình có sự tham gia của cộng đồng trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại trạm y tế xã cho người dân vùng khó khăn thuộc 2 tỉnh Lâm Đồng và Quảng Bình, Việt Nam”. Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) với giá trị hơn 600.000 euro, thực hiện tại 10 xã thuộc 2 huyện trọng diểm khó khăn là Đam Rông (Lâm Đồng) và Minh Hóa (Quảng Bình) giai đoạn từ 2013-2016.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh Lâm Đồng và Quảng Bình, đại diện UBND các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Bình, các trạm y tế của 10 xã thuộc hai huyện Đam Rông và Minh Hóa và các tổ chức phi Chính phủ.

Hiệu quả của mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các vùng khó khăn

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế.

Trong khuôn khổ của dự án, trách nhiệm giải trình tập trung vào mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ y tế tuyến xã và người sử dụng dịch vụ. Người cung cấp có trách nhiệm tuân thủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế nhằm cung cấp dịch vụ một cách an toàn, vì quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, cung cấp thông tin tư vấn chính xác, rõ ràng về tình trạng bệnh lý của khách hàng, tôn trọng quyền lựa chọn dịch vụ của khách hàng. Người sử dụng dịch vụ và người dân trong cộng đồng có quyền tham gia vào việc đối thoại, phản hồi cho các trạm y tế xã, các cơ quan có liên quan về những điểm cần khắc phục, cải thiện trong cung cấp dịch vụ và tương tác với người dân...

Những kết quả và bài học kinh nghiệm bước đầu đã khẳng định hiệu quả của cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và CSSKSS nói riêng tại tuyến xã. Bác sĩ Đinh Hồng Tiến- Trưởng trạm y tế xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình chia sẻ: “Đến nay, chính bản thân tôi cũng tự nhận thấy chất lượng dịch vụ y tế đã tiến bộ nhiều, đó là do chúng tôi đã thay đổi cách nhìn từ mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân sang khách hàng- người cung cấp dịch vụ và từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ y tế theo quan điểm của khách hàng”.

Hiệu quả của mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các vùng khó khăn

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ trao đổi tại hội thảo

Tính đến nay, sau 3 năm triển khai, đã có hơn 17.000 lượt khách hàng là người dân tộc thiểu số và người dân sống tại 2 huyện miền núi Đam Rông và Minh Hóa được sử dụng dịch vụ SKSS-KHHGĐ, 10.069 người được truyền thông giáo dục SKSS, 311 cán bộ y tế được tham gia đào tạo... Dự án đã tạo được những thay đổi đáng kể như việc tuân thủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ lâm sàng đã tăng từ 75% lên 90%, tỉ lệ người dân hài lòng về chất lượng dịch vụ tại trạm y tế tăng từ 65% lên 99%, 100% khách hàng được hỏi sẽ giới thiệu bạn bè tới trạm và quay trở lại.

Để duy trì tính bền vững và nhân rộng hiệu quả của mô hình này, gia tăng số người được hưởng lợi, MSIVN khuyến nghị cần có sự tham gia vào cuộc tích cực hơn của các cơ quan chức năng, chính quyền và cả người dân cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các tổ chức.

Hải Yến

 

 


Ý kiến của bạn