Hiệu quả của công tác phòng chống lao trong vùng đồng bào dân tộc tại Gia Lai - nhìn từ người bệnh

22-11-2022 17:40 | Xã hội

SKĐS - Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm, Gia Lai phát hiện khoảng 670 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi; tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trung bình là 44/100.000 dân.

Bác sĩ Mai Minh Hiền, Giám đốc BV Lao và Phổi Gia Lai cho biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai chỉ phát hiện bệnh lao các thể khoảng từ 45-50/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm. Công tác phòng chống Lao của địa phương dù đã được quan tâm tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính số liệu của chương trình chống lao mới phát hiện khoảng 60%. Do vậy, 40% còn lại chưa phát hiện được, chứng tỏ tình trạng nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng-chống lao.

Nhằm hỗ trợ Gia Lai trong công tác phòng chống bệnh Lao, từ tháng 5/2022 với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và sốt rét, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã phối hợp cùng BV Lao và Phổi Gia Lai thực hiện khám sàng lọc lao chủ động tại 22 xã thuộc 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông.

Mục tiêu của dự án là chủ động sàng lọc, hỗ trợ chuyển gửi và hoàn thành điều trị ca bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người có nguy cơ mắc lao. Cùng với đó là nâng cao năng lực và củng cố mạng lưới cộng đồng phòng chống lao và hỗ trợ chuyển gửi hoàn thành điều trị.

Trên thực tế đã có nhiều người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án này, tiêu biểu như anh Kpă Chức, dân tộc Gia Rai ở buôn Tân Túc, xã IaMlah, huyện Krông Pa. Anh Kpă Chức cho biết, vào khoảng từ tháng 3 anh có biểu hiện ho mệt mỏi mỗi khi lên rẫy trồng mì, tuy nhiên anh không đi khám bệnh. Đến khi bệnh nặng, ho ra máu anh vẫn không đi khám vì gia đình không có điều kiện, không có thẻ BHYT. Trước đây gia đình anh Kpă Chức thuộc hộ nghèo, tuy nhiên vừa rồi đã thoát nghèo nên anh Kpă Chức đã không được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Anh Kpă Chức mang trong mình căn bệnh như vậy anh cũng không biết là bệnh gì, cho đến một hôm khi cộng tác viên của mạng lưới CSET đến tận nhà vận động, giải thích thuyết phục anh Kpă Chức đã đến điểm nhà văn hóa thôn để thực hiện khám sàng lọc lao miễn phí.

Hiệu quả của công tác phòng chống lao trong vùng đồng bào dân tộc tại Gia Lai - nhìn từ người bệnh - Ảnh 2.

Anh Kpă Chức (trái) sau khi được điều trị lao ở TTYT huyện sức khỏe ổn định đã được về nhà tự uống thuốc điều trị (ảnh H.Nguyên)

Sau đợt sàng lọc đó anh Kpă Chức có kết luận bị bệnh lao, anh phải điều trị lao tấn công ở Trung tâm y tế huyện 1 tháng. sức khỏe hiện nay của anh đã dần được hồi phục. Anh được phát thuốc về nhà tự điều trị.

"Sau khi được uống thuốc đã đỡ mệt rồi,thỉnh thoảng còn ho thôi, nhưng không ho ra máu nữa, lúc ấy không có bảo hiểm y tế nhưng được dự án CSET hỗ trợ nên tôi đã hoàn thành thời gian điều trị ở Trung tâm y tế huyện Krongpa, sau khi đỡ tôi đã được cho thuốc về nhà uống. Được các cộng tác viên của CSET hướng dẫn và tuyên truyền mình biết cái bệnh của mình phải điều trị nhiều lại được dự án hỗ trợ nên mình đã mua được thẻ BHYT để chữa bệnh. Sau khi về nhà mình đã có kiến thức tốt hơn để không lây cho con cho cháu...Mình được quan tâm và hỏi thăm thường xuyên, mình mừng lắm cố gắng điều trị bệnh tốt", anh Kpă Chức chia sẻ.

Chị Kso Duyên – Cộng tác viên của mạng lưới CSET phòng chống lao của xã IaMlah, huyện Krông Pa cho biết, do đời sống của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn nên thường không quan tâm đến sức khoẻ, đặc biệt là bệnh lao. Do đó, họ thường sống chung với bệnh mà không đi khám.

Chị Kso Duyên tâm sự: "Khi dự án về địa phương tuyển cộng tác viên tôi đã đăng ký tham gia phỏng vấn và trúng tuyển. Bản thân tôi tham gia là cộng tác viên của dự án một phần mong muốn chia sẻ, giúp đỡ cho bà con ngay tại quê mình. Khi được làm công việc này tôi cảm thấy vui vì đã làm được những việc có ích. Công việc vất vả, lặt vặt nhưng tôi vẫn kiên trì thực hiện. Tôi thường đến nhà bà con vào sáng sớm trước khi họ lên rẫy hoặc đến nhà vào buổi tối. Thi thoảng tập hợp một số bà con thành nhóm để thực hiện truyền thông trực tiếp, nhóm nhỏ cho hiệu quả. Tôi là người bản địa thấy bà con có bệnh mà không đi khám, thậm chí nhiều người không biết chỗ nào để đi khám, cộng tác viên chúng tôi đã thuyết phục chở bà con đưa lên TTYT huyện vừa hướng dẫn và đưa bà con đi khám, điều trị...Mặc dù công việc cũng vất vả nhưng tôi vẫn thấy vui và cảm thấy mình đang góp sức nhỏ bé của mình vào công tác chống lao của địa phương.

Hiệu quả của công tác phòng chống lao trong vùng đồng bào dân tộc tại Gia Lai - nhìn từ người bệnh - Ảnh 3.

Tình nguyện viên của dự án CSET đến tận nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho bà con

Cũng giống như anh Kpă Chức, ông A Lê Biếp, 65 tuổi ở buôn Dù cũng thấy ho, khó thở, mệt mỏi nhưng cũng không đi khám. Khi có các tình nguyện viên của dự án CSET đến nhà thuyết phục động viên ông đã đi khám sàng lọc và phá hiện bệnh lao.

"Nếu không có các cộng tác viên của CSET và các y bác sĩ ở địa phương nhiệt tình thuyết phục, động viên thì có lẽ tôi cứ chung sống với căn bệnh này đến chết", A Lê Biếp nói.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn