Hai Phiếm ngơ ngác nhìn Nghĩ tôi:
- Không hiểu sao Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an lại có Văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, TP trong đó có đoạn “kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, có hành vi chống đối CSGT khi đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp, gửi cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý”.
- Chắc là hành văn lủng củng thôi chứ đời nào C67 lại vi phạm Luật Báo chí!
- Kể cả không phải nhà báo thì người dân thường cũng có quyền quay phim chụp ảnh hoạt động của CSGT để khen hoặc chê chứ nhỉ!
- Kẻ giả danh nhà báo hay bất cứ ai “có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ” cần phải bắt giữ ngay nhưng cái chữ “hoặc” đã gây hiểu lầm, biến bất cứ ai quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT là không được!
- Xem ra có một chữ thôi mà có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau...
- Cũng vì hiểu khác nhau mà nhóm PV của một tờ báo nọ bị CSGT Hải Phòng làm khó dễ sau khi tác nghiệp...
Hai Phiếm gật gù:
- CSGT đang xây dựng hình ảnh đẹp được dân ghi nhận nhưng văn bản dù chỉ thông báo trong nội bộ cũng phải đẹp về câu chữ, cách diễn đạt...
Vừa nói, Hai Phiếm vừa giở thêm tờ báo mới và reo lên:
- Đây rồi, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Cục phó C67 đã khẳng định: “Người dân hoàn toàn được tự do ghi âm, ghi hình CSGT ở những địa điểm không có biển cấm quay phim, chụp ảnh. CSGT đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”.
- Thế thì hủy béng cái Văn bản 1042 ấy đi chứ còn giữ làm gì để phải nhọc nhằn giải thích và báo chí mấy hôm nay tốn bao giấy mực!
Cả Nghĩ