Ngày 8/9, Bộ Y tế thông tin cập nhật về tình hình tiêm vaccine COVID-19 cho biết, số mũi tiêm thực hiện trong ngày là 400.774 tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó 276.212 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 124.562 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Nhiều tỉnh vẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm, thấp hơn tỷ lệ chung cả nước
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.286.120 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77,1%) tăng 0,1% so với ngày trước đó, trong ngày có 37 tỉnh triển khai với 51.605 người được tiêm:
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (57,6%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,9%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (59,4%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 14.807.088 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 78,1%) tăng 0,7% so với ngày trước đó, trong ngày có 38 tỉnh triển khai với 127.823 người được tiêm.
- 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (49,2%); Phú Yên (60,2%); TP Hồ Chí Minh (51,1%); Đồng Nai (55,4%); Tây Ninh (55,4%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (99,2%); Bắc Giang (99,6%); Nam Định (98,8%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.712.094 trẻ (đạt tỷ lệ 54,6%) tăng 0,6% so với ngày trước đó.
- 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (30,8%); Phú Yên (17,8%); TP Hồ Chí Minh (31,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (25,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (93,5%); Kon Tum (90,1%); Sóc Trăng (91,2%).
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 25 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.972.133, trong đó mũi 1: 9.594.466 trẻ (đạt tỷ lệ 85,9%) tăng 0,7%;
- 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (70,9%); Đà Nẵng (61%); Quảng Nam (72%); TP Hồ Chí Minh (57,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (67,7%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Tuyên Quang (98,2%); Vĩnh Long (97,9%).
Mũi 2: 6.377.667 trẻ (đạt tỷ lệ 57,1%) tăng 0,9% so với ngày trước đó;
- 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (21,9%); Quảng Nam (23,5%); Bình Thuận (40,8%), TP Hồ Chí Minh (31,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (39,2%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,6%); Sóc Trăng (94,8%); Cà Mau (87,8%).
Ca mắc COVID-19 tăng nhanh, cần tiêm mũi 3 và 4 vaccine COVID-19 để tăng hiệu lực bảo vệ
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày trở trở lại đây - mỗi ngày ghi nhận khoảng hơn 2.500 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3 ngày liên tiếp ca mới vượt mốc 3.000; số bệnh nhân nặng đang điều trị cũng gia tăng trong 3 ngày nay khoảng 150 bệnh nhân/ ngày.
Nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...
Trong khi một thông tin mới đây của Bộ Y tế cho biết, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các chuyên gia cũng cho hay các nghiên cứu cũng cho thấy, những người mắc bệnh nền, người cao tuổi miễn dịch sẽ giảm nhanh hơn so với người bình thường. Vì vậy, việc tiêm mũi 3 và 4 cho đối tượng này sẽ giúp phục hồi miễn dịch.
Vaccine vectơ virus và vaccine công nghệ mRNA đều có khả năng tăng cường hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng do biến thể Omicron
Theo đánh giá của các chuyên gia trên hơn 50 nghiên cứu đời thực, mũi ba (mũi nhắc lại lần 1) vaccine COVID-19 của AstraZeneca và các vaccine theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.
Các tác giả của nghiên cứu đánh giá này kết luận rằng việc tiêm thêm vaccine mũi 4 (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể, với kết quả của một nghiên cứu đời thực gần đây thực hiện tại châu Á cho thấy không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do COVID-19 ở những người được tiêm mũi 4 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là một trong những tác giả của chương trình đánh giá, cho biết: Những dữ liệu đời thực này đã giúp củng cố bằng chứng thể hiện rằng tiêm tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh COVID-19 liên tục đột biến.
"Ghi nhận tại một số bệnh viện gần đây cho thấy có một số lượng đáng kể các ca bệnh nặng là những người chưa từng tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccine chưa đủ. Thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vaccine COVID-19 là khả năng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh nặng, và theo đánh giá của chúng tôi, mũi tiêm nhắc lại bằng các vaccine đã được sử dụng rộng rãi nhất vẫn giữ vững tiêu chí này"- PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
GS. Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: Trong bối cảnh đại dịch đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu, dữ liệu về liều tiêm các mũi nhắc lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược tiêm chủng, có thể là hằng năm dành cho nhóm dân số chung hoặc sáu tháng một lần với nhóm dân số dễ bị tổn thương.
"Bản đánh giá dữ liệu chuyên sâu này tái khẳng định với các chính phủ và người dân rằng vaccine vectơ virus và vaccine sử dụng công nghệ mRNA đều có khả năng tăng cường hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng do biến thể Omicron, đặc biệt hơn là khả năng bảo vệ đó có dấu hiệu suy giảm rất ít sau 3 tháng"- GS. Guy Thwaites thông tin.
Đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 250 triệu liều vaccine các loại như: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Abdala, Sputnick...
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.