Hiểu đúng về việc người dân được tiền khi ghi hình phản ánh vi phạm giao thông

06-01-2025 08:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều người cho rằng, việc thu thập thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông quá dễ dàng, thậm chí có thể coi đó là một công việc kiếm bộn tiền.

Cục CSGT nói gì về việc ‘thưởng’ cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông?Cục CSGT nói gì về việc ‘thưởng’ cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông?

SKĐS - Hiện những thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông trên mạng xã hội thời gian gần đây là không chính xác.

Nghị định số 176/2024 có quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, mức chi hỗ trợ người dân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng.

Sau khi Nghị định số 176/2024 có hiệu lực, 1 số trang mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch rằng người dân có thể coi việc ghi hình vi phạm giao thông như một nghề kiếm tiền. Đây là cách hiểu không đúng và không phù hợp với mục tiêu của nghị định.

Một số cá nhân thậm chí đã đăng tải thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận. Cụ thể, tại cuộc họp tổng kết ngày 3/1/2025, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã xử lý 2.609 trường hợp vi phạm giao thông nhờ thông tin do người dân cung cấp, thu phạt tổng cộng 2,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, 1 số trang mạng xã hội đã cắt ghép và thổi phồng sự việc, lan truyền thông tin không chính xác rằng "1 thanh niên ở Hà Nội thu về 50 triệu đồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông". Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Hiểu đúng về việc người dân được tiền khi ghi hình phản ánh vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Ghi hình ảnh, quay video phản ánh vi phạm giao thông không phải là 1 nghề, mục tiêu của việc hỗ trợ người dân cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông là để huy động sức mạnh toàn dân trong việc xây dựng phong trào đảm bảo an toàn giao thông và chấp hành pháp luật.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện ở một số nước việc người dân chụp ảnh, quay phim ghi lại vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội gửi đến cơ quan chức năng đã có nhưng không được coi là nghề. Vì nghề là công việc phải tạo ra được thu nhập hàng ngày, ai là người trả lương và công việc có đảm bảo đúng quy định hay không?

Bên cạnh những người đang hiểu chưa đúng về nội dung "chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông", cũng có không ít người dân nhận ra làn sóng cổ xúy, động viên nhau đi săn tiền thưởng từ vi phạm giao thông sẽ mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Theo Khánh Hòa (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền), hiện đang có nhiều người coi việc chụp ảnh, quay video phản ánh vi phạm giao thông là 1 nghề dễ kiếm tiền, không muốn làm việc mà chỉ trông mong vào tiền thưởng. Nguồn thu nhập này chắc chắn sẽ không ổn định và ít dần đi khi ý thức của người tham gia giao thông cao hơn, sinh kế của các "thợ săn tiền thưởng" cũng theo đó bấp bênh, không bảo đảm.

Thậm chí lực lượng CSGT cũng nhận xét, việc "rình rập" trực chờ quay phim, chụp ảnh vi phạm sẽ gây ức chế cho người tham gia giao thông, dẫn đến những va chạm, xô xát, thậm chí là bạo lực, hành hung, gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.

Hiểu đúng về việc người dân được tiền khi ghi hình phản ánh vi phạm giao thông- Ảnh 3.

Hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa thực hiện chi trả tiền thưởng cho người báo tin vi phạm giao thông, mọi thông tin lan truyền trên mạng xã hội về thu nhập của các "thợ săn tiền thưởng" đều là tin giả, tin sai sự thật.

Liên quan đến thể thức và trình tự tiếp nhận thông tin, chi trả tiền thưởng cho người báo tin vi phạm giao thông, phía Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa thực hiện. Thế nhưng hiệu ứng của vấn đề này đã lan tỏa rất rộng trong đời sống xã hội. Để tránh những tranh cãi, hệ lụy phức tạp về sau, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể ngay từ ban đầu.

Chị Thu Minh (trú tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) nói: "Khu vực tôi sống thường xuyên quan sát thấy người dân ý thức kém vi phạm giao thông, như vậy quay phim, chụp hình người vi phạm rất dễ, theo Nghị định 176 thì kiếm cả bộn tiền/ngày. Tuy nhiên theo tôi không nên thưởng tiền cho tất cả các tin báo vi phạm giao thông mà phải phân loại rõ ràng, tập trung vào vi phạm nghiêm trọng. Như vậy sẽ hạn chế được nhiều rắc rối cho cả CSGT lẫn người dân".

Nhiều ý kiến lại cho rằng chỉ nên trích thưởng từ xử phạt những hành vi có tính chất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đặc biệt cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng không dễ phát hiện như: điều khiển xe không bằng lái; che, xóa, sử dụng biển kiểm soát giả; chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ trên những tuyến đường chưa có camera giám sát…

Như vậy sẽ khuyến khích được tính tự giác, tinh thần xây dựng của người dân, chung tay vì ATGT của toàn xã hội, đồng thời hạn chế những hành vi vụ lợi, trục lợi cá nhân từ vi phạm giao thông.

Những ngày qua, dù chưa thực hiện và chưa có hướng dẫn cụ thể nào nhưng rất nhiều thông tin giả, ý kiến đùa cợt, không nghiêm túc về việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông đã lan tràn trên mạng xã hội, gây hiệu ứng dư luận không tốt. Cơ quan chức năng cần vào cuộc ngăn chặn, phạt nặng những trường hợp tung tin thất thiệt để tránh gây chia rẽ, xáo trộn đời sống xã hội.

Xem thêm video được quan tâm:

CSGT Hà Nội xử lý hàng loạt lỗi vi phạm giao thông có mức phạt mới tăng gấp nhiều lần.


Thành Long
Ý kiến của bạn